Hoàn thiện khung pháp lý về kinh doanh khí

Admin
(Chinhphu.vn) - Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ về kinh doanh khí với mục đích hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh khí theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thu hút các nguồn vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số vào hoạt động kinh doanh khí.

Theo Bộ Công Thương, Nghị định số 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí được ban hành phù hợp với điều kiện về kinh phí, tiết giảm chi phí hành chính, tiết kiệm thời gian, nhân lực. Các cơ quan quản lý nhà nước được cung cấp đồng bộ các công cụ và biện pháp quản lý, giúp tiết kiệm nhân lực, chi phí kiểm định, thẩm định hồ sơ và các chi phí hành chính khác. Nghị định số 87/2018/NĐ-CP được coi là phương án tối ưu khi cân nhắc tổng thể các nguồn lực được sử dụng để đạt được các mục tiêu quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh khí tại Việt Nam.

Một số tồn tại, bất cập của Nghị định số 87/2018/NĐ-CP

Tuy nhiên, khi triển khai áp dụng Nghị định số 87/2018/NĐ-CP đã bộc lộ một số bất cập như sau:

Thứ nhất, Nghị định số 87/2018/NĐ-CP quy định điều kiện cho phép thuê chai khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LPG kinh doanh LPG chai và thương nhân kinh doanh mua bán LPG. Tuy nhiên, Nghị định số 87/2018/NĐ-CP không quy định cụ thể trách nhiệm của thương nhân cho thuê chai LPG và thương nhân thuê chai LPG. 

Vì vậy, các cơ quan chức năng đang rất khó khăn trong việc truy cứu nghĩa vụ trong các trường hợp chai LPG không đảm bảo yêu cầu về an toàn, phòng cháy chữa, đo lường, chất lượng hoặc trách nhiệm khi xảy ra rò rỉ, cháy nổ gas.

Hiện nay, thị trường kinh doanh LPG còn tồn tại nhiều vấn đề trong đó nổi bật nhất vẫn là tình trạng chiếm dụng chai LPG, sang chiết LPG trái phép vẫn diễn ra, chưa được kiểm soát một cách triệt để. Việc này không những gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các thương nhân kinh doanh LPG mà còn gây mất an toàn cho người sử dụng khi chai LPG và chất lượng LPG không được kiểm soát, nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy ra liên quan đến chai LPG.

Thứ hai, Nghị định số 87/2018/NĐ-CP chỉ quy định cấp duy nhất một loại Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí. Do vậy, các quy định về nghĩa vụ của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LPG không thể áp dụng cho cả 3 loại hình thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí.

Thứ ba, Nghị định số 87/2018/NĐ-CP chưa quy định đầy đủ, rõ ràng về các loại hình thương nhân kinh doanh khí thuộc hệ thống phân phối, đặc biệt là đối với hệ thống phân phối LPG chai, gây hiểu nhầm và lúng túng cho các cơ quan quản lý và các loại hình thương nhân trong quá trình áp dụng (quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong hệ thống phân phối không rõ ràng; tuân thủ chế độ báo cáo về hệ thống phân phối và giá bán LPG).

Hệ thống phân phối LPG chai không có sự gắn kết giữa các thành viên tham gia, đặc biệt là hệ thống các tổng đại lý/đại lý đang hoạt động tự phát, manh mún và thiếu bài bản. Do vậy, một số doanh nghiệp kinh doanh LPG thực hiện các hành vi lôi kéo, tranh dành các đại lý kinh doanh LPG chai dẫn đến giá, chất lượng LPG không thể kiểm soát được trên thị trường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng trong nước.

Thứ tư, về quy định kinh doanh LPG chai mini, hiện nay, trên thị trường, mặt hàng LPG chai mini đang được kinh doanh bởi các loại hình thương nhân với quy mô và quy trình sản xuất và phân phối rất đa dạng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh LPG chai mini mới dừng ở mức quy định về điều kiện lưu thông của LPG chai mini; loại sản phẩm này đang bị cấm bán tại siêu thị, trung tâm thương mại và một số loại hình cơ sở thương mại khác. Như vậy, hoạt động kinh doanh LPG chai mini đang thiếu cơ sở pháp lý để quản lý và khuyến khích phát triển...

Tạo lập hệ thống phân phối khí gắn kết, hiệu quả, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Từ những lý do nêu trên, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 87/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh khí là cần thiết và phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Mục đích xây dựng Nghị định nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh khí theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thu hút các nguồn vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số vào hoạt động kinh doanh khí.

Thiết lập thị trường khí cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạo lập hệ thống phân phối khí gắn kết, hiệu quả, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trước những biến động thị trường của các mặt hàng năng lượng quốc tế và tình hình bất ổn chính trị trên thế giới, đảm bảo phát triển bền vững thị trường khí của Việt Nam trong thời gian tới…

Đáp ứng yêu cầu về hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, không tạo ra khoảng trống pháp lý trong quy định pháp luật; ngăn chặn, phòng chống những hành vi tiêu cực, gian lận, cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh khí, đặc biệt là trong hoạt động kinh doanh LPG chai.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Minh Đức