Theo tìm hiểu, măng cụt xanh phần lớn được lấy từ Bình Dương, còn mãng cầu thì có xuất xứ ở các tỉnh miền Tây. Được biết, năm nay, 2 loại trái cây này được mùa, sản lượng lớn. Chúng được vận chuyển ra Hà Nội theo đường máy bay. Những ngày này, nhu cầu tiêu thụ 2 mặt hàng trái cây rất “khủng”, nên các tiểu thương thậm chí phải đặt nhà vườn lấy hàng hằng ngày mới kịp trả đơn cho khách.
Măng cụt "đi máy bay" từ Bình Dương ra Hà Nội, muốn mua phải đặt trước (Ảnh: July Tran). |
Chị Ngọc, một tiểu thương bán nông sản online, cho biết cứ đến mùa hè là nhà chị lại nhập măng cụt xanh về bán. Vẫn biết loại quả này một năm có một lần nên nhiều người tranh thủ mua về ăn, nhưng chị vẫn rất bất ngờ khi năm nay chúng được săn lùng nhiều đến thế.
“Giá của măng cụt xanh nguyên quả ở các tỉnh phía Nam chỉ khoảng 70.000-80.000 đồng/kg, nhưng ra đến Hà Nội, phải thêm phí vận chuyển bằng máy bay, thì sẽ lên mức 110.000-130.000 đồng/kg, loại size 8-10 quả/kg. Giá này cũng nhỉnh hơn so với năm ngoái khoảng 20%.
Trước đây, măng cụt xanh được các cửa hàng bán đồ ăn online mua về để làm gỏi là chủ yếu, nhưng năm nay thì các chị em cũng mua quả về tự chế biến đồ ăn cho gia đình. Nếu các cửa hàng thường chọn loại ruột măng cụt đã gọt sẵn vỏ, thì chị em nội trợ lại thích loại nguyên quả hơn.
Ruột măng cụt xanh có giá 550.000-600.000 đồng/kg. |
Mới mua 5kg măng cụt xanh về để làm gỏi, chị Hà (sống tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “việc gọt măng cụt xanh không hề đơn giản, nhưng thấy nhiều người chia sẻ bí quyết nên mình cũng mua về làm thử. Măng cụt chứa rất nhiều nhựa, nên khi gọt phải làm dưới vòi nước để tránh bị thâm. Chỉ cần dính một chút vỏ thôi là miếng măng cụt sẽ bị đắng. Sau khi gọt vài quả, mình bắt đầu quen dần và thấy đây là một thử thách khá thú vị. 5kg măng cụt như khi bỏ vỏ thì chỉ được khoảng gần 1kg ruột.
Việc tự gọt dù hơi cực nhưng tiết kiệm được kha khá tiền, vì 1kg ruột măng cụt ở bên ngoài người ta bán giá rất cao, lên tới 550.000 - 600.000/kg”.
Không chỉ măng cụt cháy hàng mà việc mua món gỏi gà măng cụt những ngày này ở Hà Nội cũng không dễ. Một số tiểu thương quảng cáo gỏi là hàng máy bay “siêu hỏa tốc” từ Bình Dương ra, sáng đăng facebook bán nhưng chiều là hết. Đến tầm 4h chiều khách hỏi thì hàng sẽ được ship vào chiều ngày hôm sau. Một set gỏi nguyên con gà tre có giá 580.000 đồng, còn gà ta là 680.000 đồng/set. Mỗi set bao gồm muối tiêu chanh, mắm trộn gỏi, mắm chấm gỏi, hành phi, lạc rang, rau trộn gỏi, rau thơm, lõi măng cụt gọt sẵn…
Một set gỏi gà măng cụt có giá từ 580.000 - 680.000 đồng (Ảnh: Tuyet Tran). |
Trà mãng cầu cũng đang làm mưa làm gió thị trường thời gian này, đã khiến nhiều người tìm mua mãng cầu về làm trà uống thử hoặc bán. Được biết, mãng cầu mới vào đầu vị nên quả chín rất ít, số lượng chưa có nhiều, trong khi nhu cầu tăng cao nên tình trạng cháy hàng xảy ra thường xuyên.
Mãng cầu xanh liên tục cháy hàng do nhiều người tìm mua làm món trà mãng cầu (Ảnh: Ngoc Ha). |
Theo khảo sát trên chợ mạng, hiện mãng cầu ở Hà Nội được bán với giá 35.000-65.000 đồng/kg. Giá này đã tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Theo chị Tính, một người đang kinh doanh mãng cầu và trà mãng cầu, mãng cầu đang khá hiếm nên tìm được lô ngon cũng khó. Có lô chị mua toàn quả xanh, về phải ủ 1-2 ngày mới bán được cho khách. Giá mãng cầu cũng tăng vùn vụt nhanh, mua sỉ cũng phải tầm từ 20.000 đồng/kg trở lên.
Trà mãng cầu - thức uống gây sốt mùa hè này (Ảnh: Thu Huyen). |
Con về cách làm món trà mãng cầu đang gây sốt, chị Tính cho biết: “trà mãng cầu sấy khô từ trái mãng cầu xiêm tươi cắt ra phơi khô và được sao trên bếp 1 cách tỉ mỉ cho cọng trà được vàng đều. Thịt mãng cầu tươi được gọt vỏ và tách ra lấy thịt ngâm với đường 30-40 phút ủ trong tủ lạnh. Trà thêm mãng cầu sẽ có vị chua chua, ngọt ngọt, rất thanh mát cho mùa hè này. Giá mỗi ly là 20.000 đồng”.