Trong khi tập đoàn mẹ EVN đang lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng thì các doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn này lại đang có hàng vạn tỷ đồng gửi nhà băng. Ảnh: EVN
5 đơn vị trực thuộc EVN có hàng nghìn tỷ đồng gửi ngân hàng
Thống kê sơ bộ từ báo cáo tài chính của 5 doanh nghiệp trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC), Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC), Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC), Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) và Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) cho thấy, kết thúc năm 2022 các đơn vị này đều làm ăn tốt với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng và lãi từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng.
Theo đó, lượng tiền gửi ngân hàng tại các công ty con của EVN trong năm qua đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Chẳng hạn như trong năm 2022, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc có hơn 10.500 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Tổng Công ty Điện lực miền Trung có khoảng 5.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, số tiền gửi ngân hàng của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam là gần 5.500 tỷ đồng. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội có gần 5.000 tỷ đồng và Tổng Công ty Điện lực TPHCM có gần 4.000 tỷ đồng gửi ngân hàng.
Nhờ số tiền gửi ngân hàng lên đến hàng nghìn tỷ đồng đã giúp doanh nghiệp thu về hàng trăm tỷ đồng từ lãi tiền gửi, tiền cho vay.
Cụ thể, kết thúc năm 2022, thuyết minh báo cáo tài chính của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc cho thấy, lãi tiền gửi, tiền cho vay tại công ty gần 371 tỷ đồng.
Chỉ số này tại các doanh nghiệp khác thuộc EVN cũng ấn tượng không kém, cụ thể Tổng Công ty Điện lực Miền Trung đạt gần 178 tỷ đồng; lãi tiền gửi năm 2022 của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam hơn 170 tỷ đồng; Tổng Công ty Điện lực Hà Nội 166 tỷ đồng và Tổng Công ty Điện lực TPHCM là 155 tỷ đồng.
Đại biểu Quốc hội băn khoăn
Việc EVN đang báo lỗ nặng và liên tục xin tăng giá điện trong khi khi các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” EVN vẫn báo lãi và có đến hàng ngàn tỷ đồng gửi ngân hàng cũng là vấn đề được các đại biểu quốc hội rất quan tâm và có ý kiến chất vấn tại kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) đặt vấn đề cần sớm làm rõ nguyên nhân khoản lỗ của EVN khi từ năm 2010 đến nay, EVN đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện. Giá bình quân từ 1.058 đồng/kWh lên 1.864,444 đồng/kWh (vào năm 2019); đến nay vẫn tiếp tục báo lỗ và đề nghị điều chỉnh tăng giá điện.
Theo đại biếu Yên, hiện cử tri cho rằng, cùng một hệ sinh thái, nhưng công ty mẹ (EVN) báo lỗ, còn các công ty con vẫn công bố thu lợi nhuận cao. Vậy nguyên nhân khoản lỗ của EVN là từ đâu, cần làm rõ vấn đề này.
Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng người dân không hề liên quan đến việc thua lỗ của EVN, đó là do việc sản xuất điều hành giá điện yếu kém, không chịu tiết kiệm bộ máy dẫn đến phát sinh chi phí cao. Có một thời gian người dân cũng đặt câu hỏi về thu nhập của cán bộ, lãnh đạo EVN rất cao, đến bây giờ cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc.
Do đó, đại biểu Vân đánh giá hiện nay lộ trình xã hội hoá ngành điện hiện nay còn chậm, càng để độc quyền, sự lộng hành về giá là không tránh khỏi.
EVN lý giải
Thông tin về vấn đề nói trên, lãnh đạo EVN cho rằng số tiền gửi cần được xem xét với số dư nợ ngắn hạn (60.045 tỷ đồng) tại cùng thời điểm của các tổng công ty Điện lực.
“Con số này chưa nói đến các khoản dư nợ dài hạn. Nếu chỉ xét riêng các khoản dư nợ ngắn hạn trên thì rõ ràng số nợ vay tại các đơn vị là rất lớn, nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao. Điều này đòi hỏi các đơn vị phải duy trì số dư đủ trả nợ đến hạn nhằm đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong thời gian tới”, đại diện EVN cho biết.
Ngoài ra, số dư tiền gửi trên được dùng để thanh toán trả nợ cho các nhà cung cấp, thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện mặt trời mái nhà và nhà máy thuỷ điện nhỏ vào đầu tháng sau theo các hợp đồng đã ký kết, đầu tư hệ thống phân phối - bán lẻ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải, và chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đây cũng là cơ sở để các đơn vị chủ động cân đối dòng tiền phù hợp để đảm bảo thanh toán nợ gốc và lãi vay kịp thời cho các đơn vị tín dụng, thanh toán cho các nhà cung cấp, các nhà máy điện theo quy định, đồng thời cố gắng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của đơn vị.
Kiểm toán Nhà nước đánh giá
Trong khi đó, liên quan đến việc các đơn vị thuộc EVN có số dư tiền gửi lớn tại các ngân hàng, tại Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa gửi Quốc hội cũng đã đề cập.
Cụ thể, theo Kiểm toán Nhà nước, Công ty mẹ EVN hiện chưa có quy định về hạn mức số dư tiền gửi nhằm linh hoạt chuyển tiền gửi không kỳ hạn thành tiền gửi có kỳ hạn.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra việc cân đối dòng tiền năm và hàng tháng tại một số đơn vị chưa cân đối giữa nguồn tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn. Trong đó, một số thời gian còn duy trì một lượng tiền gửi không kỳ hạn, ít giao dịch nhưng chưa cân đối để gửi có kỳ hạn như tại các đơn vị Công ty mẹ - EVN, TCT Điện lực TP. HCM, TCT Điện lực miền Nam.