Loại củ ‘vàng dưới vườn nhà' của Việt Nam được Mỹ, Úc ráo riết săn lùng: Giá có lúc gần 1 triệu/kg, xuất khẩu tăng nóng hơn 200%

Admin
Trong khi tại Việt Nam loại củ này có giá rẻ như cho nhưng giá xuất khẩu lên tới gần 1 triệu đồng/kg.

Theo số liệu từ Hiệp hội rau quả Việt Nam, hết tháng 9/2023, xuất khẩu gừng của nước ta đạt hơn 26 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Gừng Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, Bangladesh, Lào… và hiện nay mặt hàng gừng Việt Nam ngày càng được ưa chuộng ở các thị trường Australia, Ấn Độ, Pakistan và các nước châu Âu.

Tại Australia, gừng đông lạnh Việt Nam vừa được bán đại trà tại các siêu thị, cửa hàng, và cả kênh online. Giá gừng Việt Nam tại Australia khoảng 9-13 AUD một kg (150.000-200.000), thậm chí có thời điểm lên đến hơn 50AUD/1kg (khoảng 850.000 đồng). Gừng được đóng gói nửa kg hoặc một kg chủ yếu phục vụ các nhà hàng.

Ngoài gừng đông lạnh, gừng chế biến của Việt Nam cũng được tiêu thụ khá mạnh. Đặc biệt, mứt gừng là sản phẩm rất được ưa chuộng tại xứ lạnh.

Theo thương vụ Việt Nam tại Australia, Ấn Độ... tiềm năng xuất khẩu gừng từ Việt Nam sang các thị trường này là rất lớn. Giá sản phẩm này cũng đang cạnh tranh so với hàng đến từ các quốc gia khác. Ngoài chất lượng thơm, ngon, gừng Việt giá cũng rẻ hơn so với hàng nội địa tại các nước. Gừng được xem là một sản phẩm có nhiều công dụng, đáng chú ý nhất là có thể giúp loại bỏ vi trùng/vi khuẩn và được sử dụng làm thuốc chữa cảm lạnh, mặt hàng này cũng đã được săn lùng mạnh trong thời điểm dịch Covid-19.

Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) được coi là ‘thủ phủ’ gừng của Việt Nam. Nhờ khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, gừng Kỳ Sơn có chất lượng vượt trội và hương vị đậm đà đặc biệt so với gừng ở những nơi khác. Giống gừng Kỳ Sơn là giống gừng bản địa, gồm 2 loại chính gồm: gừng sừng trâu và gừng dé.

Gừng được bà con dân tộc thiểu số trồng ở các sườn núi cao, nơi quanh năm sương mù bao phủ. Các xã ở huyện Kỳ Sơn có diện tích trồng gừng nhiều như: Na Ngoi, Bảo Thắng, Đoọc Mạy, Mường Lống, Huồi Tụ, Tây Sơn, Nậm Cắn, Nậm Càn… Trong đó, xã Na Ngoi là xã có diện tích trồng nhiều nhất với hơn 150ha. Năm 2019, giá gừng tăng cao nên diện tích trồng gừng ở huyện này được mở rộng. Đến nay, diện tích trồng gừng ở huyện Kỳ Sơn đã lên đến gần 1.000ha.

Các doanh nghiệp Việt Nam ghi nhận mức xuất khẩu gừng cùng các loại gia vị khác trong 9 tháng vừa qua tăng cao. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, đơn đặt hàng gừng cho các thị trường Mỹ, Ấn Độ, UAE và Pakistan tăng mạnh đã khiến giá được đẩy lên cao kỷ lục.

Tại các nhà vườn, gừng đang có giá bán 20.000-26.000 đồng/kg tùy loại. Đối với gừng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu giá tới 30.000 đồng/kg. Cũng theo nhiều cơ sở thu mua gừng, giá gừng tăng mạnh gần đây do nguồn hàng khan hiếm, các địa phương khác chưa vào vụ thu hoạch, trong khi đang trái mùa thu hoạch, nhu cầu xuất khẩu lại lớn.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong năm 2022, nước ta đã thu về hơn 23,1 triệu USD từ các loại gia vị bao gồm gừng, nghệ và các loại gia vị khác với Ấn Độ là thị trường chủ chốt, ngoài ra Trung Quốc và Mỹ cũng cực kỳ ưa chuộng mặt hàng này của Việt Nam.