Loại "quả vàng" là kho báu
Ngoài tác dụng làm cảnh, cây sơ ri còn được quan tâm nhiều vì nổi tiếng là một trong những loại quả giàu vitamin C. Các kết quả phân tích tại Brazil cho thấy hàm lượng vitamin C của trái sơ ri biến đổi từ 900 - 3.000 mg/100g nước ép, tùy theo giống. Trong 100g nước ép sơ ri có chứa 600 - 800 mg vitamin C. Một so sánh khá thú vị là chỉ cần một giọt nước ép của trái sơ ri là có lượng vitamin C bằng với lượng vitamin C của một quả cam, trong khi đó vitamin C tự nhiên trong trái cây được cho là tốt hơn nhiều so với vitamin C tổng hợp.
Một yếu tố quan trọng khác về chất lượng trái sơ ri là chất chống oxy hóa. Kết quả phân tích ở Brazil cho thấy, trong 11 loại trái được trồng phổ biến tại nước này, trái sơ ri được xếp hạng 1 về số lượng chất chống oxy hóa.
Tại Việt Nam, kết quả phân tích cho thấy hàm lượng vitamin C cũng thay đổi tùy theo giống và mùa vụ thu hoạch, thường từ 400 - 1.100 mg/ 100g nước ép quả sơ ri. Tại khu vực trồng sơ ri nổi tiếng là Gò Công, người ta từng phát hiện ra: thứ tự hàm lượng vitamin C từ thấp đến cao của các giống trồng ở khu vực Gò Công là: Giống sơ ri ngọt từ 400 - 600 mg, giống sơ ri chua Gò Công truyền thống từ 600 - 800 mg, giống sơ ri chua Brazil từ 800 - 1.100 mg/ 100g nước ép của trái sơ ri.
Đặc biệt, trái sơ ri thu hoạch trong mùa khô thường có hàm lượng vitamin C cao hơn trong mùa mưa. Nước ép trái sơ ri cũng cũng có thể phối trộn với nước ép của các loại trái khác nhằm tăng hàm lượng vitamin C.
Trọng lượng trung bình của trái sơ ri chua Gò Công từ 4 - 5g, trọng lượng hạt phải bỏ đi là 0,5 g, với hàm lượng vitamin C từ 600 - 800 mg/100g nước ép. Theo (United States Department of Agriculture) - Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, với một người trưởng thành, nhu cầu vitamin C trong 1 ngày khoảng 50 mg. Như vậy mỗi ngày một người chỉ cần ăn 4 trái sơ ri chua hoặc 5 trái sơ ri ngọt là có dư nhu cầu Vitamin C của cơ thể.
Được người Nhật đánh giá cao, sẵn sàng thu mua.
Tại Việt Nam, vùng trồng sơ ri nổi tiếng phải kể đến huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, với 2 loại chính là sơ ri chua, sơ ri ngọt. Trong đó, trái sơ ri ngọt được tiêu thụ chủ yếu trong thị trường nội địa, còn sơ ri chua thường có vị chua ngọt, đạt năng suất cao, hay được xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Singapore… dưới hình thức sơ chế trái tươi và chế biến dưới dạng puree.
Chia sẻ với Dân Việt một vài năm trước, ông Nguyễn Triệu Thắng - Hợp tác xã sơ ri Bình Ân (Gò Công Đông) - từng cho biết: "Làm việc với các chuyên gia Nhật, tôi thấy họ đánh giá rất cao trái sơ ri và bảo người Gò Công đang nằm trên đống vàng."
Tuy nhiên, trước đây, do giá cả thất thường, nhiều gia đình đã chặt hết sơ ri để thay bằng cây khác có giá trị kinh tế cao và ổn định hơn. Tình hình này dần được cải thiện gần đây khi các nông hộ trồng sơ ri sẽ được sự hỗ trợ về chuyên môn (kỹ thuật chăm sóc để gia tăng năng suất và quản lý sâu bệnh hại để bảo đảm an toàn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật), các công ty, tập đoàn cũng đang xây dựng nhà máy chế biến trái sơ ri ngay tại địa phương… Sơ ri sơ chế xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản để chế biến thành nước đóng chai, hóa mỹ phẩm với giá thành và lợi nhuận cao.
Hiện nay, thị trường trong nước của trái sơ ri cũng dần chuyển hướng tích cực hơn. Từ loại quả ít người mua thì những năm gần đây, chúng trở thành món ăn vặt phổ biến, được bán khắp nơi.
Theo tìm hiểu, mùa quả sơ ri từ tháng 6 đến tháng 11 dương lịch. Lúc đó, từng chùm quả lúc lỉu đã già, chín mọng, chuyển sang màu vàng cam, màu đỏ trông rất thích mắt.
Loại quả này có thể ăn tươi, có vị chua thanh, lúc chín chuyển sang ngọt nhẹ. Hoặc người ta có thể mua sơ ri về để chế biến thành các món như rượu sơ ri, siro, nước ép sơ ri, cocktail, chè sơ ri.
(Tổng hợp)