Thời gian qua, lực lượng chức năng thuộc Bộ Công an và công an các địa phương liên tiếp triệt phá nhiều đường dây mua bán dữ liệu của cá nhân, tổ chức. Các dữ liệu này được rao bán công khai trên các trang mạng, diễn đàn tin tặc.
Riêng năm 2022, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ triệt phá 3 chuyên án, 11 bị can bị khởi tố trong đường dây mua bán dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. Đây là những đường dây có quy mô lớn, dữ liệu nhạy cảm như định vị điện thoại, lượng truy cập các trang mạng của từng cá nhân. Hàng tỉ thông tin khách hàng trong các lĩnh vực khác nhau bị đem ra rao bán.
Trước sự bức xúc của dư luận cũng như nỗ lực quản lý, xử lý của các cơ quan chức năng nhưng thị trường mua bán, trao đổi thông tin, dữ liệu cá nhân vẫn đang ngang nhiên tồn tại.
Hình phạt khi mua bán dữ liệu cá nhân
Tùy vào mức độ vi phạm và thiệt hại gây ra, hành vi trao đổi, mua bán thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu của cá nhân mà không được chủ sở hữu cho phép có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm, theo Điều 288, Bộ luật Hình sự 2015; Sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung, là phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Ngoài ra, về dân sự, người bị thiệt hại khi bị lộ thông cá nhân có thể kiện và đòi bồi thường.
Lỗ hổng pháp lý bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân
Mặc dù Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã quy định khái quát chung về quyền bất khả xâm phạm đối với quyền cá nhân, thông tin bí mật đời tư của cá nhân, cách thu thập xử lý thông tin cá nhân, chế tài xử phạt nhưng vẫn chưa đề cập, cập nhật đầy đủ các nội dung liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.