MXV-Index: Giá hàng hoá có xu hướng hạ nhiệt nhẹ

Admin
(Chinhphu.vn) - Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4 (ngày 30/4), thị trường ghi nhận 27 mặt hàng giảm giá trong tổng số 31 mặt hàng. Áp lực bán hoàn toàn áp đảo đã khéo chỉ số MXV-Index giảm sâu 1,34% xuống 2,279,13 điểm.

Như vậy, chỉ số MXV-Index tháng 4 thấp hơn khoảng 2,7% so với hồi tháng 3, phản ánh giá hàng hoá có xu hướng hạ nhiệt nhẹ.

Các mặt hàng trong nhóm nguyên liệu công nghiệp mất đà phục hồi trước đó, đồng loạt giảm giá với nhiều mặt hàng ghi nhận mức giảm trên 3%. Trong khi đó, giá ca-cao ngược chiều tăng trên 3% sau khi bất ngờ lao dốc hơn 15% trong phiên trước đó. Đây vẫn là nhóm ghi nhận nhiều biến động nhất trong ngày hôm qua.

Ngoài ra, nhóm kim loại cũng cho thấy đà giảm giá đồng đều, đặc biệt là kim loại quý trong bối cảnh thị trường giữ tâm lý thận trọng trước thềm cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) diễn ra vào đêm nay. Sự sôi động của thị trường giúp cho giá trị giao dịch toàn Sở duy trì ở mức gần 7.000 tỷ đồng.

Giá cà phê hạ nhiệt, giá bông về mức thấp gần 1 năm

Giá Robusta giảm mạnh hơn 3% trong phiên ngày 30/4 do mưa trái mùa tại Tây Nguyên góp phần giải khát cho các vườn cà phê đang khô hạn.

Tuy nhiên, lo ngại về sản lượng cà phê vụ 2024/2025 vẫn chưa dừng lại khi giới phân tích dự đoán vùng trồng cà phê chính của Việt Nam sẽ còn trải qua các đợt nắng nóng đỉnh điểm nữa, trước khi mùa mưa bắt đầu vào tháng 6. Ngoài ra, trong tháng 3 vừa qua, nước ta chỉ xuất đi 3.093,4 tấn cà phê, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung ở mức thấp khiến hoạt động xuất khẩu chững lại.

Diễn biến cùng chiều, giá Arabica giảm về mức thấp nhất gần 3 tuần trước một số dấu hiệu cải thiện nguồn cung.

Xuất khẩu cà phê từ Brazil tiếp tục được đẩy mạnh trong tháng 4. Theo thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE), tính đến 30/4, quốc gia Nam Mỹ đã xuất đi khoảng 4,6 triệu bao cà phê, với 3,5 triệu bao Arabica dạng hạt, tăng 27% so với cùng kỳ tháng trước.

Hiện tại, hoạt động thu hoạch cà phê tại Brazil đã bắt đầu. Dù tiến độ còn chậm nhưng sự khô ráo trong thời tiết tại khu vực trồng cà phê chính sẽ thúc đẩy tiến độ trong thời gian tới, giúp nông dân Brazil có thêm lý do để đẩy mạnh bán hàng.

Ở một diễn biến đáng chú ý khác, giá bông giảm 3,79% về mức thấp nhất gần 1 năm. Nhu cầu về bông còn hạn chế đã tiếp tục gây sức ép lên giá. Trong báo cáo xuất khẩu hàng tuần ngày 25/4, Mỹ chỉ xuất đi 261.700 kiện bông, giảm lần lượt 2% và 18% so với tuần trước và trung bình 4 tuần gần nhất.

Cùng với đó, Jack Scoville, Phó Chủ tịch của Price Futures Group cho biết, giá bông giảm là do nhu cầu thấp và điều kiện trồng trọt tại vùng sản xuất bông chính của Mỹ đang diễn ra khá tốt, kéo theo kỳ vọng tích cực về sự gia tăng sản lượng trong vụ mới.

Áp lực vĩ mô kéo giá kim loại đồng loạt suy yếu

Cùng xu hướng giảm khá mạnh, sắc đỏ cũng gần như áp đảo bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim đều quay đầu bởi sức ép vĩ mô. Chốt phiên, giá bạc để mất 3,59% xuống 26,39 USD/ounce. Giá bạch kim đóng cửa tại mức 948,2 USD/ounce sau khi giảm 1,38%.

Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất tiếp tục bị đẩy lùi sau khi Bộ Lao động Mỹ báo cáo chi phí việc làm tăng vượt dự kiến do tiền lương và phúc lợi tăng. Cụ thể, chỉ số chi phí việc làm (ECI), thước đo chi phí lao động đã tăng 1,2% trong quý I/2024 sau khi tăng 0,9% trong quý IV/2023. Con số này cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo.

Việc chỉ số này tăng cao tiếp tục làm giảm đi kỳ vọng FED hạ lãi suất. Đồng USD cũng tăng trở lại với chỉ số Dollar Index tăng 0,61% lên 106,22 điểm, gây áp lực cho giá kim loại quý.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX để mất 2,39% về 10.063 USD/tấn, đứt chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp. Giá đồng gặp áp lực bán ngay từ phiên sáng sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế tiêu cực gây ảnh hưởng đến triển vọng tiêu thụ. Cụ thể, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Trung Quốc đạt 50,4 điểm trong tháng 4, giảm từ mức 50,8 điểm của tháng 3, cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc chậm lại.

Ở chiều ngược lại, nhôm LME và niken LME lại là điểm sáng của nhóm khi tăng lần lượt 0,06% và 0,47%. Cả hai mặt hàng đều được hỗ trợ do lo ngại nguồn cung thu hẹp hơn.

Theo kết quả cuộc khảo sát của Reuters, thặng dư thị trường nhôm dự kiến giảm xuống 135.000 tấn trong năm nay, giảm từ mức 300.000 được dự báo hồi tháng 1. Trong khi đó, thị trường niken toàn cầu dự kiến dư thừa 151.500 tấn vào năm 2024, giảm so với mức 240.500 tấn được dự báo trước đó.

MXV