Nhân sự IT bị sa thải "ồ ạt" nhưng có 1 vị trí vẫn liên tục tuyển dụng: Làm tốt thì lương 25 triệu đồng/tháng

Admin
Từ cuối năm 2022 đến nay, khoảng 380.000 vụ sa thải IT diễn ra, chiếm khoảng 1,9% trong số gần 20 triệu nhân sự công nghệ trên toàn cầu.

Dù luôn được xem là một trong những nhóm ngành nghề "siêu hot", nhưng IT (Công nghệ thông tin) vẫn không tránh khỏi làn sóng sa thải nhân sự trong thời gian vừa qua.

Trong "Ngày hướng nghiệp 2023" mới đây, ông Nguyễn Ngọc Đức, chuyên gia cấp cao Công ty Trapets Vietnam, Scandinavian Software Park cho biết, giai đoạn 2020-2021, khi đại dịch Covid-19 mới xuất hiện, nhiều công ty về công nghệ tuyển dụng ồ ạt, mức lương cho nhân sự cũng tăng đột biến, gấp rưỡi so với các năm trước.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, khoảng 380.000 vụ sa thải IT diễn ra, chiếm khoảng 1,9% trong số gần 20 triệu nhân sự công nghệ trên toàn cầu.

VietnamWorks inTECH (việc làm và tuyển dụng lĩnh vực công nghệ thông tin của VietnamWorks) cũng vừa công bố báo cáo về thực trạng và xu hướng tuyển dụng nhân sự IT năm 2023 với khảo sát trên tổng số 1.464 người, gồm ứng viên IT và doanh nghiệp trên toàn quốc.

Nhân sự IT bị sa thải ồ ạt nhưng có 1 vị trí vẫn liên tục tuyển dụng: Làm tốt thì lương 25 triệu đồng/tháng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo đó, năm 2023, TP.HCM và Hà Nội là 2 thành phố lớn tập trung nhiều cơ hội việc làm nên bị tác động nhiều nhất bởi suy thoái kinh tế. Cụ thể, TP.HCM có tỷ lệ cắt giảm nhân sự IT cao nhất (22,2%). Hà Nội có tỷ lệ cắt giảm nhân sự thấp hơn nhưng lại tập trung vào cắt giảm lương, tiền thưởng hoặc phúc lợi khác của người lao động (chiếm 14,7%).

Tuy chịu ảnh hưởng bởi làn sóng sa thải ào ạt nhưng cuối năm 2023 đến năm 2024, doanh nghiệp tại các thành phố vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự IT. Theo khảo sát này, trong số 15 vị trí công việc của IT thì 3 vị trí được doanh nghiệp quan tâm nhất là người phát triển phần mềm (17,4% doanh nghiệp cần), tester/QA-QC (người kiểm tra, phát hiện lỗi,người chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm, người quản lý chất lượng 9,3%) và người phân tích kinh doanh (7,4%).

Phát triển phần mềm - Vì sao vẫn "hot"?

Chúng ta sử dụng phần mềm mọi lúc mọi nơi: từ ứng dụng văn phòng cơ bản như Microsoft Word, Excel, Powerpoint đến trình duyệt web Chrome, Firefox, Safari... Để có thể trở thành một nhân viên phát triển phần mềm bạn buộc phải tốt nghiệp đại học, cao đẳng khoa Công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính hoặc một số chuyên ngành khác liên quan đến lập trình.

Nếu theo học Kỹ thuật phần mềm, bạn sẽ được trang bị kiến thức chuyên sâu về viết (develop), kiểm thử (test), hay thậm chí là bảo dưỡng (maintain) phần mềm. Hay dễ hiểu hơn ngành này sẽ giúp các bạn thiết kế nên những ứng dụng, website, phát triển game... Bên cạnh đó, ngành Kỹ thuật phần mềm cũng sử dụng kiến thức của một số lĩnh vực khác như kỹ thuật máy tính, khoa học máy tính, quản lý, toán học, quản lý dự án, quản lý chất lượng, công thái học phần mềm và kỹ nghệ hệ thống.

Theo khảo sát từ CareerBuilder, mức lương trung bình của nhân viên triển khai phần mềm khoảng 12.5 triệu đồng/tháng và mức lương cao nhất có thể lên đến 25 triệu đồng/tháng tùy vào kinh nghiệm làm việc cũng như năng lực của các ứng viên.

Dĩ nhiên, mức lương và thu nhập hàng tháng của bạn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như số năm kinh nghiệm, bằng cấp và các kinh nghiệm phát triển phần mềm. Nếu như bạn từng tham gia nhiều dự án lớn, nổi tiếng thì khi deal lương sẽ dễ có được mức lương lý tưởng hơn.

Một số trường đại học đào tạo ngành Kỹ thuật phần mềm bạn có thể tham khảo:

Đại học Công nghệ Thông tin; Đại học RMIT; Trường Đại học Bách Khoa; Học viện Bưu chính Viễn thông TP. HCM; Đại học Công Nghiệp TP. HCM; Đại học Kinh tế tài chính TP.HCM; Đại học Văn Lang; Đại học Kinh tế TP. HCM; Đại học Sư phạm Kỹ thuật; Đại học Nguyễn Tất Thành; Đại học Tôn Đức Thắng; Đại học FPT; Đại học Công nghiệp Hà Nội...