Những loại trái cây Trung Quốc được ưa chuộng tại Việt Nam

Admin
(NLĐO) - Trái cây Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất là: cam, lê, táo và các loại rau như: nấm, hành, tỏi.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 4, Việt Nam đã chi gần 152 triệu USD để nhập rau quả, tăng 4,1% so với tháng 3 và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập 570,3 triệu USD rau quả các loại, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Còn tính đến hết quý I/2023, nguồn cung rau quả lớn nhất cho Việt Nam vẫn là Trung Quốc với giá trị nhập khẩu 170 triệu USD, chiếm khoảng 40% thị phần, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2022.

Những loại trái cây Trung Quốc được ưa chuộng tại Việt Nam - Ảnh 1.

Việt Nam chi hơn 5 triệu USD để nhập táo Trung Quốc trong tháng 3

Trái cây Trung Quốc ồ ạt đổ về chợ đầu mối, giá rẻ không ngờ

Rau củ, trái cây Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh

Theo phân tích xuất nhập khẩu rau quả Việt Nam – Trung Quốc của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), trong tháng 3, Việt Nam đã xuất siêu rau quả sang Trung Quốc. Cụ thể, xuất khẩu 256,3 triệu USD các mặt hàng sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài, dưa hấu, ớt, chanh leo,… tăng 29,9% so với tháng 3-2022 và cao hơn 129 triệu USD so với bình quân theo tháng năm 2022. 

Về nhập khẩu, tính riêng trong tháng 3, Việt Nam đã nhập 57,9 triệu USD rau quả từ Trung Quốc, tăng 31,4% so với tháng 3-2022 nhưng thấp hơn 13,6 triệu USD so với bình quân theo tháng năm 2022.

Những loại trái cây Trung Quốc được ưa chuộng tại Việt Nam - Ảnh 3.

Quýt Trung Quốc khi còn nguyên thùng bán sỉ tại chợ đầu mối Thủ Đức

Thống kê của IPSARD cho thấy giá trị nhập khẩu rau quả Trung Quốc vào Việt Nam không đều, cao nhất là giai đoạn tháng 9 đến tháng 12 với giá trị nhập khẩu từ hơn 80 – 100 triệu USD/tháng và thấp điểm từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm.

Trong tháng 3, mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc là quýt với 12 triệu USD (chiếm gần 30% thị phần); tiếp theo là tỏi 11,6 triệu USD; nấm các loại 8,3 triệu USD; lê 5,4 triệu USD; táo 5,3 triệu USD; hành 3 triệu USD; hạt dẻ 1,7 triệu USD,…

Trong đó, một số mặt hàng có giá trị nhập khẩu tăng đột biến như: hạt dẻ tăng gần 9 lần; hành tăng gần 4 lần so với tháng 3-2022; lê tăng gần 2 lần; táo tăng 50%,…