Nông sản vùng sâu Đắk Lắk xuất khẩu châu Âu

Admin
TPO - 5 năm trước, một huyện vùng sâu của Đắk Lắk chinh phục một tổ chức phi Chính phủ bằng sự thiện chí và sẵn sàng hội nhập, giúp nông sản vùng sâu chinh phục thị trường châu Âu. 

Ngày 9/11, tại huyện Krông Năng - Đắk Lắk diễn ra Hội nghị Liên kết sản xuất - kết nối tiêu thụ nông sản huyện Krông Năng năm 2023. Đây là huyện vùng sâu của Đắk Lắk, song thời gian qua đã tiên phong hội nhập, chủ động mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp về tìm hiểu, đầu tư.

Chương trình Sản xuất kết hợp với Bảo tồn nguồn Tài nguyên và An sinh xã hội (Chương trình Compact Krông Năng) được thực hiện thông qua hợp tác công - tư (PPP), do Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH - Hà Lan) phát triển và hỗ trợ, đồng tài trợ công ty JDE cùng doanh nghiệp thu mua cà phê, hồ tiêu, trái cây và chính quyền.

Nông sản vùng sâu Đắk Lắk xuất khẩu châu Âu ảnh 1

Các sản phẩm nông nghiệp được trưng bày tại hội nghị.

Mục tiêu chương trình nhằm thúc đẩy và hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững; nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối thị trường; bảo tồn nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; tạo thu nhập và bình đẳng giới.

Chương trình được triển khai đồng bộ trên địa bàn huyện với quy mô trên 23.100 ha cà phê, gần 3.700 ha hồ tiêu, trên 5.100 ha cây ăn quả các loại và 8,108 ha rừng.

Ông Vũ Văn Mỹ - Chủ tịch UBND huyện Krông Năng - khẳng định: “Chúng tôi cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất và đồng hành cùng các nhà tài trợ, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong suốt hành trình hướng tới nền nông nghiệp xanh và bền vững, với tinh thần cùng đóng góp, cùng chia sẻ và cùng thắng”.

Nông sản vùng sâu Đắk Lắk xuất khẩu châu Âu ảnh 2

Ông Vũ Văn Mỹ - Chủ tịch UBND huyện Krông Năng.

Tại hội nghị, ông Vũ Đình Khiêm - Điều phối Chương trình cảnh quan bền vững tại tỉnh Đắk Lắk của tổ chức IDH - chia sẻ lý do chọn huyện Krông Năng làm địa phương đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk triển khai chương trình cảnh quan bền vững vì lãnh đạo huyện Krông Năng rất ủng hộ, thiện chí.

Từ năm 2018, IDH đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp, chính quyền thực hiện hóa vùng cảnh quan bền vững. Theo đó, IDH hỗ trợ nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản cà phê; đóng vai trò gốc rễ, mắc xích giữa nông dân và doanh nghiệp liên kết với nhau.

Trong 5 năm, Chương trình Compact Krông Năng đã giúp nông dân nắm vững kiến thức canh tác bền vững. Đặc biệt, là hình thành liên kết chuỗi, thu mua sản phẩm cho người dân. Tháng 8/2021 xuất container cà phê đặc sản đầu tiên sang thị trường EU.

Nông sản vùng sâu Đắk Lắk xuất khẩu châu Âu ảnh 3

Ông Vũ Đình Khiêm - Điều phối Chương trình cảnh quan bền vững tại tỉnh Đắk Lắk.

Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk - cho biết, khó nhất trong sản xuất là hình thành vùng nguyên liệu. Lý do là chỉ 15% đất sản xuất thuộc sở hữu tập thể, còn lại sở hữu của nông dân, tuy nhiên huyện Krông Năng đã làm được. Họ chủ động hội nhập quốc tế, đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX, nông dân để hình thành vùng nguyên liệu và tổ chức sản xuất đảm bảo cảnh quan môi trường. Điều này bất cứ doanh nghiệp, nhà rang xay nào cũng cần: Ổn định số lượng, chất lượng, giá cả. Đến nay bây giờ, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có huyện Krông Năng làm được.

Hội nghị còn diễn ra sự kiện Ký kết biên bản ghi nhớ - thỏa thuận hợp tác liên kết sản xuất và thu mua, tiêu thụ nông sản vùng Compact, giữa UBND huyện Krông Năng, Ban chỉ đạo Chương trình Compact với các doanh nghiệp.