Ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam bất ngờ tăng mạnh

Admin
Trong quý 1/2024, cả nước đã nhập khẩu 5.821 ô tô nguyên chiếc từ Trung Quốc, chiếm 18% tổng lượng xe nhập khẩu của cả nước.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc trong quý 1/2024 tăng đột biến, vượt qua cả 2 thị trường được Việt Nam nhập thường xuyên là Indonesia và Thái Lan.

Cụ thể, trong quý 1/2024, cả nước đã nhập khẩu 5.821 ô tô nguyên chiếc từ Trung Quốc, chiếm 18% tổng lượng xe nhập khẩu của cả nước và tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ thế, Trung Quốc còn đứng đầu vị trí thị trường được nhập khẩu hàng hóa lớn nhất tại Việt Nam với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 30,52 tỷ USD, tăng tới 29,3% (tương ứng tăng 6,91 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm tới 35,87% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Trong khi đó, tại 2 thị trường thường xuyên dẫn đầu nhập khẩu về Việt Nam là Indonesia và Thái Lại bị sụt giảm. Theo đó, lượng ô tô nhập khẩu từ Indonesia là 14.762 chiếc, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2023 và Thái Lan chỉ còn 10.420 chiếc, giảm mạnh 50,5%.

Tính chung, trong quý 1/2024, đã có 32.272 ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 26.655 chiếc, chiếm tới 83% tổng lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam, nhưng giảm 23,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế, thời gian gần đây, thị trường ôtô nhập khẩu Việt Nam đang đón nhận thêm một số thương hiệu ôtô Trung Quốc. BYD - hãng xe xanh lớn nhất thế giới - cũng xác nhận sẽ bắt đầu chinh phục thị trường ôtô Việt Nam từ tháng 6.

Động thái này nhiều khả năng sẽ là sự khởi đầu cho làn sóng ôtô Trung Quốc đổ bộ thị trường xe Việt trong thời gian sắp tới với hàng loạt thương hiệu như Tank (thuộc Great Wall Motors) hay Omoda và Jaecoo của tập đoàn Chery.

Trong 3 tháng đầu năm, Ford Ranger là mẫu xe bán chạy nhất toàn thị trường với số lượng hơn 3.560 xe. Trong số này có 434 xe Ranger Raptor được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, bên cạnh hơn 3.100 phiên bản khác được hãng xe Mỹ lắp ráp tại nhà máy ở Việt Nam.

Trong khi đó, mẫu xe bán chạy thứ nhì là Mitsubishi Xpander lại ghi nhận phần lớn doanh số đến từ xe nhập khẩu. Cụ thể, trong tổng số hơn 3.500 xe Xpander bán ra cho khách hàng Việt Nam trong quý đầu năm thì có đến gần 3.200 xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia, chiếm tỷ trọng hơn 91%.

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lượng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng 4/2024 ước đạt 12.500 chiếc, giá trị 244 triệu USD. Trước đó, vào tháng 3, số lượng xe nhập khẩu là 15.860 chiếc có giá trị kim ngạch 330 triệu. Như vậy, so với tháng liền kề, ô tô nhập khẩu trong tháng 4/2024 giảm 21,2% về lượng và 26,1% về giá trị.

Có tổng cộng 38.200 chiếc ô tô mới, bao gồm cả xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu được bổ sung cho thị trường Việt Nam, giảm 6% so với tháng 3/2024 nhưng tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước ước đạt 25.700 chiếc, tăng 3,6% so với tháng 3/2024 (24.800 chiếc) và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ước đạt 88.300 chiếc, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Từ những con số nêu trên cho thấy xu hướng thị trường và xu hướng của các nhà nhập khẩu ô tô trong thời gian gần đây chủ yếu là những mẫu xe giá rẻ, giá trị đơn chiếc trung bình chỉ 19.500 USD/chiếc (xấp xỉ 495 triệu đồng).

Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong tháng 4

Dữ liệu được công bố hôm thứ Sáu (10/5) cho thấy xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 4.

Trong khi đó, doanh số bán ô tô trong nước đã giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt và sự thận trọng của người tiêu dùng về việc chi tiêu cho các mặt hàng lớn trong thời kỳ phục hồi kinh tế không ổn định.

Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (CPCA) cho biết, xuất khẩu ô tô đã tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái lên 417.000 chiếc trong tháng 4, tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ từ tháng 3 với mức tăng trưởng xuất khẩu là 39%.

Cui Dongshu, Tổng thư ký CPCA cho biết, cuộc điều tra chống trợ cấp đang diễn ra của EU đối với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã làm gián đoạn và gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu ô tô sang khối này, nhưng Trung Quốc vẫn tích cực tìm hiểu các thị trường xuất khẩu ở Nam Mỹ, Australia và ASEAN.

Ông cho biết, các nhà sản xuất ô tô trong nước sẽ phải lựa chọn giữa việc ra nước ngoài và thua cuộc, khi sự cạnh tranh ở thị trường nội địa ngày càng gay gắt.

“Sự trì trệ của thị trường tồi tệ hơn dự kiến, trong khi một số nhà sản xuất ô tô vẫn cố gắng tiếp tục sản xuất và dẫn đến lượng hàng tồn kho tại các đại lý tăng cao”, ông Cui Dongshu cho biết.

Trong khi tỷ trọng doanh số bán xe sử dụng năng lượng mới (NEV) đạt mức cao mới, mở đường cho thị trường ô tô lớn nhất thế giới nhanh chóng đạt được mục tiêu xanh, doanh số bán xe điện vẫn chậm hơn nhiều so với doanh số bán xe xăng lai điện plug-in hybrid (PHEV).

Xe NEV chiếm 43,5% tổng doanh số bán ô tô trong tháng 4 và là mức cao kỷ lục. Trung Quốc đã đặt mục tiêu đạt 45% vào năm 2027.

Doanh số bán xe điện đã tăng nhanh lên 12,1% trong tháng 4 so với cùng kỳ từ mức 10,5% trong tháng 3, trong khi doanh số bán PHEV tăng 64,2% so với mức tăng 75,4% trong tháng 3.

Phân khúc PHEV đã tăng trưởng nhanh hơn kể từ năm 2022, và điều này đã thúc đẩy sự thành công hãng xe BYD.

Dữ liệu của CPCA cho thấy thị phần của Trung Quốc trên thị trường PHEV toàn cầu đã tăng lên gần 70% trong quý đầu năm nay.

Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tiên phong trong công nghệ hybrid đã tụt lại phía sau, chỉ chiếm được 1,9% thị trường PHEV toàn cầu trong quý đầu năm nay.

Mặt khác, doanh số bán xe điện đã không theo kịp với sự đặt cược ngày càng tăng vào một tương lai hoàn toàn bằng điện khi nhu cầu đang chậm lại ở Trung Quốc bất chấp cuộc chiến về giá kéo dài đã thu hút hơn 40 thương hiệu tham gia.

Để thu hút người tiêu dùng, Trung Quốc đã công bố các khoản trợ cấp lên tới 10.000 nhân dân tệ (1.380 USD) cho mỗi lần đổi xe và nhiều nhà sản xuất ô tô, bao gồm Tesla và BYD đã bắt đầu cung cấp các mẫu xe bán chạy nhất của hãng mà không phải thanh toán tiền trước.

T.M (tổng hợp)