Quảng Nam tập trung đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Admin
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa là điểm sáng nổi bật trong 4 tháng đầu năm với tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ.

Kinh tế sáng trở lại

Tại phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh Quảng Nam nhằm đánh giá công tác chỉ đạo điều hành, tình hình kinh tế xã hội tháng 4/2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 5/2024 tổ chức mới đây, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay, tình hình kinh tế xã hội tháng 4/2024 của tỉnh Quảng Nam phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ.

Hoạt động sản xuất công nghiệp khởi sắc hơn khi ngành dệt may, sản xuất trang phục đã có nhiều đơn đặt hàng mới. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2024 tăng 4% so với tháng trước và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước; đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trở lại.

Tiêu dùng & Dư luận - Quảng Nam tập trung đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. 

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 44,6% so với cùng thời điểm năm trước.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp cuối tháng 4/2024 tăng 32,3% so với cùng thời điểm năm trước.

Ngành thương mại, dịch vụ diễn ra sôi nổi và tăng hầu hết ở các lĩnh vực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ.

Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch đạt gần 0,8 triệu lượt khách, tăng 10% so với thời điểm năm 2023.

Tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ trong tháng 4/2024 ước đạt 963 tỷ đồng, tăng 7,3% so với tháng trước và 34,7% so với cùng kỳ.

Tỉnh Quảng Nam đã tập trung giải ngân vốn đầu tư công, vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; các công trình, dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ thi công đã tạo động lực, tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế xã hội.

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 4/2024 ước đạt trên 502 tỷ đồng, tăng 33% so với tháng trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ.

Đến cuối tháng 4/2024, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 110,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với đầu tháng, tăng 3,3% so với đầu năm.

Công tác thu hút đầu tư khởi sắc hơn; đã cấp mới 7 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 124,24 triệu USD và cấp mới 13 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 4.122 tỷ đồng.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 200 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 6,2 tỷ USD và 1.149 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 230 nghìn tỷ đồng. Đây là động lực rất quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa là điểm sáng nổi bật trong 4 tháng đầu năm 2024 với tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ, gồm: kim ngạch hàng hóa xuất khẩu hơn 0,5 tỷ USD, giảm 0,8% và kim ngạch nhập khẩu gần 0,8 tỷ USD, tăng 16,8%.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công

Bên cạnh đó, theo ông Bửu, trong tháng 5, tỉnh Quảng Nam khẩn trương phê duyệt dự án đầu tư để phân bổ toàn bộ số vốn đầu tư công còn lại (614 tỷ đồng) của năm 2024, không để tiếp tục chậm trễ.

Tỉnh cũng quyết liệt giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, đẩy nhanh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội.

Đáng lưu ý, tỉnh này tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, có chế tài xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn và giải ngân vốn.

Tiêu dùng & Dư luận - Quảng Nam tập trung đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (Hình 2).

Quảng Nam sẽ tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. 

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam định kỳ hằng tháng báo cáo UBND tỉnh kết quả và đề xuất các giải pháp căn cơ nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục tham mưu điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.

Các Sở, Ban, ngành, địa phương nghiên cứu các dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn tiếp theo để lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 đảm bảo công tác chuẩn bị đầu tư chất lượng, kịp tiến độ.

Các Sở, Ban, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) hằng tháng về tình hình triển khai thực hiện. Đồng thời, tập trung hướng dẫn, giải quyết kịp thời các thủ tục cho các nhà đầu tư đã được trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thỏa thuận nghiên cứu địa điểm đầu tư tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh vừa qua.

Ngoài ra, Ban Quản lý các Khu kinh tế và KCN tỉnh tiếp tục quan tâm tháo gỡ các vướng mắc của THACO và các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.