Quý I: Thị trường bất động sản phục hồi rõ nét hơn

Admin
(Chinhphu.vn) - Trong quý I/2024, kết quả phục hồi của thị trường bất động sản (BĐS) đã rõ nét hơn, được thể hiện cụ thể qua những con số về nguồn cung các sản phẩm và giao dịch trên thị trường.

Cụ thể về nguồn cung, theo số liệu mới công bố của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý I/2024 có khoảng 30.511 sản phẩm được tung ra thị trường. Trong đó có hơn 4.626 sản phẩm mới, lần đầu tiên ra mắt.

Về giao dịch, có khoảng 6.360 giao dịch. Tăng 10% so với quý IV/2023 và gấp đôi cùng kỳ năm 2023.

Tỷ lệ hấp thụ đạt 21%, tăng 4 điểm% so với quý IV/2023, gấp gần 3 lần so với quý I/2023. Trong đó, các dự án mới hoàn toàn đạt tỷ lệ hấp thụ lên tới 51%.

Theo các chuyên gia BĐS, sự phục hồi không phải trên toàn diện mà có sự phân hóa giữa các phân khúc và khu vực. Theo phân khúc, BĐS nhà ở vẫn đi đầu trong tiến trình phục hồi; BĐS công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; BĐS thương mại có thêm sự cải thiện; riêng BĐS du lịch nghỉ dưỡng chưa thoát khỏi vòng nguy hiểm.

Cụ thể, phân khúc BĐS nhà ở thương mại đã có thêm nguồn cung mới, góp phần làm dịu "cơn khát" nhà ở trong thời gian qua. Tuy nhiên còn mang tính cục bộ, chưa đủ độ phủ để giải tỏa triệt vấn đề về nhu cầu nhà ở, đặc biệt tại các thành phố lớn.

Phân khúc nhà ở xã hội, phân khúc đất nền, BĐS thổ cư là hai phân khúc ghi nhận sự "vận động" một cách tích cực nhất. Các chuyên gia BĐS cho rằng, dự kiến trong thời gian tới, khi một số quy định trong luật mới chính thức có hiệu lực, sẽ góp phần giải tỏa một số nút thắt, tạo đà cho phân khúc này phát triển mạnh mẽ hơn.

Diễn biến từ thực tế thị trường BĐS và phân tích của chuyên gia cho thấy, thị trường BĐS đã có những kết quả đáng ghi nhận. Hàng loạt dự án quy mô hàng trăm đến vài chục nghìn ha, thậm chí hàng tỷ USD "dồn dập" được công bố, đề xuất đầu tư; các dự án mới, lần đầu tiên ra mắt trên thị trường nhiều hơn; các CĐT tích cực "làm mới các dự án cũ" nhằm góp phần khuấy động thêm thị trường.

Điểm chung của các dự án chào sân trong giai đoạn này là pháp lý chuẩn chỉnh, có sự đầu tư mạnh về hạ tầng, cảnh quan và tiện ích, cùng các chính sách ưu đãi hấp dẫn nhằm tăng tính thuyết phục với khách hàng/nhà đầu tư.

Đây được xem là thời kỳ nước rút của Chính phủ, các bộ ngành trong nỗ lực chạy đua với thời gian, nhằm rút ngắn khoảng chờ đợi các quy định mới trong các bộ Luật, thông qua việc nghiên cứu, soạn thảo để trình ban hành các nghị định hướng dẫn chi tiết việc thi hành luật liên quan đến thị trường BĐS.

Với sự hoàn thiện về các căn cứ bản lề từ ba bộ Luật có tầm ảnh hưởng nhất tới thị trường BĐS, sự quyết tâm của các chủ thể, niềm tin của khách hàng/nhà đầu tư ngày càng được củng cố thì thị trường BĐS đang bước vào tiến trình phục hồi ngày càng rõ rệt hơn.

Toàn Thắng