Nhà nhà dựng cây nêu cầu may mắn trong năm mới
Đến xã Ea Rốk (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, mọi người dễ dàng bắt gặp vô số cây nêu cao vút được dựng chắc chắn trước cổng nhà dân. Trên ngọn cây nêu, người dân treo lá cờ Tổ quốc, lồng đèn màu đỏ và trang trí thêm hệ thống đèn điện nháy đủ sắc màu.
Ông Nguyễn Thế Anh – Bí thư Chi bộ thôn 10 (xã Ea Rốk) cho biết, dựng cây nêu ngày Tết là phong tục có từ lâu đời của nhiều địa phương ở các tỉnh phía Bắc.
Từ thời xa xưa, cứ vào dịp Tết, mọi người lại dựng cây nêu để đánh dấu kết thúc một năm lao động đầy vất vả, xua đuổi những điều không may mắn, xui xẻo trong năm cũ và đón những điều tốt đẹp về với gia đình trong năm mới.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, sau khi rời quê hương vào Đắk Lắk lập nghiệp, người dân không còn dựng cây nêu đón Tết như lúc ở quê.
Giải thích về điều này, ông Thế Anh cho hay: “Trên địa bàn thôn 10 có 133 hộ dân, với hơn 500 nhân khẩu. Trong đó, có đến 90% người dân có quê ở tỉnh Thanh Hóa vào đây lập nghiệp từ năm 1985. Vì cuộc sống khó khăn, tất bật mưu sinh nên thời gian qua rất ít người dân duy trì, để ý đến phong tục dựng cây nêu đón Tết”.
Lo sợ văn hóa truyền thống bị mai một theo thời gian, Tết năm 2023, ông Thế Anh với vai trò là một cán bộ thôn cùng với chính quyền địa phương đã tổ chức vận động người dân trong thôn cùng nhau dựng cây nêu đón Tết. Thấu hiểu được những trăn trở của Bí thư Chi bộ thôn, nhiều người dân đã đồng tình ủng hộ. Mọi người cùng nhau đi tìm nguyên liệu mang về trang trí, dựng cây nêu.
Không riêng gì thôn 10, người dân ở các thôn 9, 11 (xã Ea Rốk) cũng nhộn nhịp dựng cây nêu vào những ngày giáp Tết để cầu mong một năm mới nhiều thắng lợi. Theo đó, người dân đi dọc các con suối để chọn những cây tre già, to, thẳng, ngọn rủ xuống. Sau khi chọn được cây tre ưng ý mang về nhà, người dân tiến hành loại bỏ các cành phía dưới để lại phần ngọn, với những chùm lá tươi tượng trưng cho mây trời và được trang trí thêm đèn lồng đỏ. Thân cây tre được trang trí thêm hệ thống đèn điện chớp nháy đủ sắc màu… Bên dưới gốc, rắc bột vôi trắng tạo thành vòng tròn, mũi tên hướng ra phía cổng để xua đuổi tà ma.
Khi việc trang trí đã hoàn tất, gia chủ tiến hành dựng cây nêu ngay trước ngõ nhà mình trong khoảng thời gian từ ngày 25 đến ngày 29 tháng Chạp. Ông Thế Anh cho hay: “Tất cả mọi người đều có thể dựng cây nêu để đón Tết. Nhà nào không có đàn ông, thì phụ nữ vẫn dựng được cây nêu. Cho đến ngày Mùng 7 Tết, nhà nhà thực hiện nghi lễ hạ nêu (còn gọi là lễ khai hạ), đánh dấu việc kết thúc những ngày nghỉ Tết và bắt đầu công việc trong năm mới”, ông Anh nói.
Làm sống lại truyền thống cha ông
Không riêng gì người dân ở huyện biên giới Ea Súp, cứ vào dịp cuối năm, người dân tại nhiều thôn của xã Hòa Đông (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cũng rộn ràng dựng cây nêu đón Tết.
Ông Trần Xuân Chiến (trú thôn 19/5, xã Hòa Đông) chia sẻ, dựng nêu đón Tết là truyền thống từ thời cha ông. Thời còn nhỏ, mỗi lần đến Tết, ông thấy bố mẹ dựng cây nêu cao vút trước nhà. Tối đến, cả gia đình lại ra trước cây nêu ngắm, nói chuyện đầu xuân.
Tuy nhiên, sau khi rời quê hương vào Đắk Lắk lập nghiệp, cuộc sống mưu sinh vất vả khiến những người con xa quê ít nhiều “quên” đi những phong tục cha ông.
Cho đến những năm gần đây, ông Chiến và những người dân trong thôn 19/5 đã bàn bạc với nhau dựng cây nêu đón Tết để được sống lại với truyền thống và thỏa nỗi nhớ quê. Qua đó, giúp cho thế hệ con trẻ hiểu biết thêm về nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Hà, cán bộ Văn hóa – Xã hội xã Hòa Đông cho hay, việc dựng cây nêu đón Tết đã được người dân tại các thôn như: 19/5, 1/5, Nam Thắng, 15, Hòa Thắng, Hòa Bắc, Quyết Thắng, Hòa Nam... duy trì nhiều năm nay. Kinh phí dựng cây nêu không nhiều, cũng không khó nhưng lại rất cầu kỳ và đòi hỏi nhiều công sức.
Trong quá trình dựng cây nêu, mỗi người được phân công nhiệm vụ khác nhau như tìm chọn tre, quấn dây đèn led, chuẩn bị câu đối, lồng đèn... Nhiều nhà còn gắn vào đầu ngọn của cây nêu ngôi sao năm cánh cùng lá cờ Tổ quốc để thể hiện niềm tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt Nam.
“Cây nêu không chỉ tạo không khí Tết nhộn nhịp, ấm cúng, trang trí cho các con đường nông thôn mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết của những con xa quê trên mảnh đất Tây Nguyên. Bên cạnh đó, cây nêu còn tượng trưng cho sự giao hòa giữa trời, đất và con người”, ông Hà nói.
Ông Nguyễn Xuân Hưng, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông thông tin, trên địa bàn xã có hơn 70% dân số quê ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh vào lập nghiệp. Dựng câu nêu đón Tết là việc làm góp phần bảo tồn truyền thống văn hóa của cha ông từ xưa đến nay.
Thời gian qua, địa phương cũng rất quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống và coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Hàng năm, chính quyền địa phương đều tổ chức vận động, tuyên truyền cho người dân triển khai các giải pháp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Trong các hương ước, quy ước của từng thôn, buôn cũng chú trọng, khuyến khích người dân gìn giữ, phát huy và phát triển văn hóa truyền thống trong xu thế hội nhập.
Khánh Ngọc