Sau "Rẻ quá”, “Rẻ hơn rẻ quá”, “Rẻ hơn các loại rẻ”, “Rẻ nữa”… Thế giới Di động và FPT Shop xoay sang cuộc chiến mới, CellphoneS gần như không còn lợi nhuận

Admin
CellphoneS tiếp tục nhấn mạnh những cuộc chiến này về lâu dài không tốt cho thị trường.
Sau Rẻ quá”, “Rẻ hơn rẻ quá”, “Rẻ hơn các loại rẻ”, “Rẻ nữa”… Thế giới Di động và FPT Shop xoay sang cuộc chiến mới, CellphoneS gần như không còn lợi nhuận - Ảnh 1.

Ngay lễ 30/4/2023, thị trường điện thoại, điện máy chứng khiến cuộc chiến giá với màn mở đầu từ “ông lớn” Thế giới Di động (MWG), chiến dịch lúc này mang tên “Giá rẻ quá”. Đây được biết là động thái kích cầu của Công ty trong bối cảnh sức mua suy yếu, cũng như chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng khi kinh tế suy thoái.

Cuộc chiến sau đó lôi cuốn theo các nhà bán lẻ lớn khác như FPTshop, CellphoneS, Di động Việt… tham gia với loạt chiến dịch: “Rẻ hơn rẻ quá”, “Rẻ hơn các loại rẻ”, “Rẻ nữa”…

Gần cuối tháng 5, Viettel Store cũng bắt đầu tham gia vào cuộc chiến giá, trong đó chủ yếu tập trung vào các dòng sản phẩm Apple và một số flagship của Samsung, cùng các dòng sản phẩm nhạy cảm về giá như Xiaomi, Realme cũng như các phụ kiện có thương hiệu.

Sáng tháng 6, cuộc chiến giá bắt đầu lan sang các sản phẩm điện máy ở các phân khúc cao cấp với chiến thuật "hoàn tiền nếu nơi khác bán rẻ hơn" của Điện Máy Xanh, mặc dù chưa rõ về tính thực tế của cam kết này tuy nhiên chắc chắn sẽ lôi kéo các nhà bán lẻ khác phải có hành động.

Sắp có cuộc chiến mới mang tên “đặc biệt” trên thị trường ICT?

Gần 2 tháng chạy đua “giá rẻ”, cuộc chiến này đã chuyển sang một hướng khác khi Thế Giới Di Động ra chiêu mới mang tên “mở bán đặc biệt”.

Công ty liên tục ký kết hợp tác và "mở bán đặc biệt" với hàng loạt mẫu smartphone mới ra mắt trên thị trường như realme C53, vivo Y36, Xiaomi Redmi 12. Hiện, khoảng 40-50% số lượng sản phẩm mới của các hãng đang chỉ bán tại Thế giới Di động, các sản phẩm này được hưởng mức chiết khấu riêng và không phải cạnh tranh giá với các đối thủ.

Thực tế, với lợi thế chiếm hơn 60% thị phần thị trường bán lẻ điện thoại, máy tính, MWG có vị thế để đàm phán giá nhập tốt từ nhà cung cấp, từ đó gia tăng được lợi nhuận so với nhiều đối thủ. Theo chia sẻ một người trong ngành, mức lãi gộp trung bình điện thoại bán ra tại MWG vào mức 25% với phân khúc thấp và 15-20% ở phân khúc cao cấp, trong khi thị trường các nhà bán lẻ khác chỉ ở khoảng 7-10% cho các phân khúc.

FPT Shop: Cuộc chiến mới sẽ không còn ảnh hưởng đáng kể như cuộc chiến “Giá rẻ quá”

Trước động thái này, phía FPT Shop cho biết sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể như cuộc chiến hạ giá (dù biết vô nghĩa vẫn phải tham gia).

Theo đại diện FPT Shop, hiện nay với nhóm di động, hệ thống có cách tiếp cận khác hơn khi cũng có model độc quyền, nhưng chỉ là một model trong dòng sản phẩm của hãng, hoặc độc quyền lô cuối của dòng sản phẩm ở cuối chu kỳ.

Với cách làm này, khách hàng được lợi hơn khi sẽ nhận được ưu đãi tốt hơn bởi không chỉ hãng mà cả FPT Shop cũng bỏ tiền vào khuyến mại để bán được số lượng nhiều hơn, bù cho phần giảm giá nhiều hơn cho mỗi khách hàng.

“Đây là cách mà FPT Shop đang làm thay vì độc quyền toàn bộ cả nhóm, line-up sản phẩm nhờ vị thế đối với hãng. Việc độc quyền toàn bộ cả nhóm sản phẩm có thể khách hàng không được lợi vì trên thị trường không có sự cạnh tranh và nhà bán lẻ đó sẽ ưu tiên việc giữ lãi cho mình thay vì ưu tiên khách hàng (do khách hàng không có sự lựa chọn điểm mua khi thích dòng sản phẩm đó)”, đại diện FPT Shop nhấn mạnh.

Còn với nhóm Laptop, khác với điện thoại là không có model cụ thể nào định vị/chiếm lĩnh thị trường. Các sản phẩm có thể khác nhau về tên gọi/mã nhưng không chênh lệch nhiều về cấu hình. Do đó, FPT Shop rất tự tin khi số lượng mã sản phẩm laptop Công ty đặt riêng (có thể gọi là hàng độc quyền) chiếm đến 60%.

CellphoneS: Gần như không còn lợi nhuận sau khi lao vào cuộc chiến giá, đã phải đóng 3 cửa hàng

Về phía CellphoneS, đại diện không phủ nhận với sức mạnh thị phần lớn, MWG hoàn toàn có thể ký kết với hầu hết các hãng, nhà phân phối các mẫu sản phẩm độc quyền ở hầu hết các phân khúc giá. Tuy nhiên, CellphoneS tiếp tục nhấn mạnh những cuộc chiến này về lâu dài không tốt cho thị trường.

“ Điều này sẽ làm cho toàn bộ các nhà bán lẻ khác gặp khó khăn và dẫn tới sự giảm sút về chất lượng phục vụ của cả thị trường để có thể giảm chi phí, chiến giá giữ chân khách hàng . Các bên phải cắt giảm chi phí vận hành, trong đó rõ ràng nhất là tiến hành cắt giảm nhân sự, cắt giảm giờ công của nhân viên. Điều này dẫn tới chất lượng phục vụ sẽ giảm không thể duy trì như trước đây nữa .

Về lâu dài , cuộc chiến giá dẫn tới toàn bộ các nhà bán lẻ cũng như các hãng, nhà phân phối không còn lợi nhuận để có thể tiếp tục đầu tư nâng cao trải nghiệm cho người tiêu dùng. Thị trường bán lẻ công lẻ sẽ bị kéo lùi chậm lại bởi thiếu cải tiến, đầu tư ”, vị này nói.

Riêng CellphoneS, năm nay khi phải tham gia vào các cuộc chiến giá với các chuỗi lớn khác, mặc dù giữ được doanh số bán tuy nhiên gần như không thể có được lợi nhuận. Điều này dẫn tới việc trì hoãn các hoạt động mở rộng cửa hàng của CellphoneS trong 2 quý đầu năm. Công ty cũng đã phải đóng cửa 3 cửa hàng tại các khu vực gần khu công nghiệp do lao động mất việc, và chuyển sang mở 3 cửa hàng mới ở các khu vực mới như Phú Quốc, Đồng Tháp…

Nhìn chung, 2023 là một năm thực sự khó khăn cho ngành bán lẻ công nghệ, một phần đến từ sự giảm sút của thị trường, và một phần lớn đến từ cuộc chiến giá gần như chưa có hồi kết của nhà bán lẻ lớn đang điên cuồng giành giật thị phần.