Ông Mike Zhang đã làm việc cho Alibaba 14 năm. Theo vị Giám đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam, phía sàn thương mại điện tử (TMĐT) này đang có nhiều dữ liệu chứng minh TMĐT là lĩnh vực đang tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp suy thoái hậu Covid-19.
"Sau đại dịch Covid-19 vừa rồi, khách hàng từ các thị trường toàn cầu sử dụng Internet nhiều hơn. Họ đã quen với kỷ nguyên TMĐT. Mỗi khi hoạt động kinh doanh truyền thống gặp khó khăn, đó lại là cơ hội lớn để TMĐT phát triển", ông Zhang nói.
6 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp trên Alibaba.com đang khôi phục hoạt động kinh doanh mạnh mẽ, có thêm nhiều active buyers (số khách hàng có giao dịch).
"Hãy đoán thử số liệu của thị trường Việt Nam! Active buyers của các doanh nghiệp Việt trên Alibaba tăng trưởng nhanh hơn toàn cầu, ở mức 55% - một con số rất ấn tượng", ông Zhang cho biết thêm.
Về phía cung ứng, số các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trên nền tảng cũng tăng trưởng 24%. Các doanh nghiệp Việt đang nắm vị trí dẫn đầu trong nhiều ngành hàng.
Indochina JSC, một doanh nghiệp Việt Nam chuyên về các sản phẩm thủ công độc đáo, trên Alibaba cho biết, doanh thu xuất khẩu của công ty đã tăng vọt, có thể kết nối với hơn 3.000 khách hàng trên toàn thế giới, và nhận được nhiều đơn hàng lớn.
Tại sự kiện, ông Zhang cũng công bố Chương trình Gian hàng Quốc gia Việt Nam trên sàn TMĐT Alibaba.com. Chương trình được sự hỗ trợ từ Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương, là cột mốc đầu tiên của hành trình chọn lựa 100 doanh nghiệp xuất sắc để tham gia gian hàng trực tuyến này.
Mục tiêu của chương trình là quảng bá sự đa dạng của các sản phẩm Made-in-Vietnam, đồng thời nâng cao uy tín của các doanh nghiệp và thương hiệu Việt, tăng cường nhận thức về sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Chương trình cũng hướng đến việc thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế và tạo điều kiện cho khách hàng toàn cầu hiểu rõ hơn về các sản phẩm và doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam (SMEs).
Theo chương trình này, Cục XTTM, Bộ Công Thương cùng Alibaba.com Việt Nam, đã đơn giản hóa 14 tiêu chí xét duyệt thuộc 5 nhóm tiêu chí. Trong đó có yêu cầu bắt buộc các sản phẩm Made-in-Vietnam phải xem xét về uy tín và chất lượng, sử dụng công cụ thương mại điện tử B2B một cách liên tục và hiệu quả, và ưu tiên cho các doanh nghiệp đã được chứng minh có tiềm năng xuất khẩu, cùng các yếu tố khác.
Dự kiến, giai đoạn đăng ký cho SMEs bắt đầu từ ngày 28/11 và kéo dài đến ngày 15/01/2024. Gian hàng Quốc gia Việt Nam trên Alibaba.com sẽ cân nhắc kỹ lưỡng để chọn ra 100 doanh nghiệp tiêu biểu tham gia và doanh nghiệp đủ được lựa chọn sẽ được Ban tổ chức Chương trình cấp chứng nhận.