Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với quá trình số hóa, xu hướng kết hợp giữa thực và ảo, sự bùng nổ của nhiều lĩnh vực công nghiệp mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật, điện toán đám mây… đang mang đến sự thay đổi vượt bậc trong cuộc sống, việc làm và trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, đổi mới sáng tạo (ĐMST) trở thành động lực chính cho phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhiều nước đã thiết lập các mạng lưới trung tâm ĐMST để thử nghiệm việc xây dựng và thực thi các chính sách cụ thể liên quan đến thúc đẩy, hỗ trợ ĐMST trong doanh nghiệp.
Sự kiện tôn vinh đổi mới sáng tạo lớn nhất Việt Nam, thêm một bước tiến trên hành trình thành “con hổ" mới của châu Á
Admin
12:29 16/12/2023
Khánh thành NIC Hòa Lạc chỉ là điểm khởi đầu, trung tâm sẽ từng bước hoàn thiện và kết nối với không chỉ hệ sinh thái ĐMST trong nước, mà còn với mạng lưới các Trung tâm Đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới.
Là một trong những trung tâm đổi mới nổi tiếng và lâu đời nhất thế giới, Silicon Valley Innovation Center của Hoa Kỳ tập trung vào việc thúc đẩy sự đổi mới và phát triển trong lĩnh vực công nghệ và khởi nghiệp. Hay "Vườn ươm khởi nghiệp" lớn nhất thế giới dành riêng cho lĩnh vực công nghệ ở thủ đô Paris, Pháp đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 2017 với tên gọi Station F.
Ở khu vực châu Á, theo Tạp chí Con số sự kiện của Tổng cục Thống kê, từ năm 2015, Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập 17 Trung tâm Kinh tế sáng tạo và đổi mới (CCEI). Mỗi tập đoàn lớn như Lotte, LG, Hyundai Motor, Samsung, SK… đều được đề nghị tham gia vào 1 trong 17 trung tâm này và tập trung vào lĩnh vực chuyên môn của mình. Nhờ sự hỗ trợ của CCEI, hơn 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc tham gia vào mạng lưới doanh nghiệp lớn toàn cầu. Ngoài ra, các CCEI cũng có được một "vốn mồi" 1,8 tỷ USD mỗi năm để thu hút thêm hàng chục tỷ USD đầu tư vào hoạt động ĐMST.
Tại Trung Quốc, trong một báo cáo năm 2018 về tiến trình "made in China 2025" của Viện An ninh và Phát triển Chính sách nước này, Trung Quốc tập trung phát triển mạng lưới các trung tâm ĐMST, gồm: Trung tâm ĐMST ngành chế tạo cấp quốc gia, các trung tâm ĐMST hoạt động sản xuất cấp tỉnh và mạng lưới các khu trình diễn ý tưởng ĐMST.
Đối với Trung tâm ĐMST ngành chế tạo cấp quốc gia, Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ thiết lập 40 trung tâm vào năm 2025 dựa trên 10 lĩnh vực cốt lõi. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang hỗ trợ phát triển 48 trung tâm ĐMST hoạt động sản xuất cấp tỉnh.
Một "quốc gia khởi nghiệp" khác là Israel. Trong một lần làm việc với đoàn đại biểu TP HCM hồi năm 2019 tại Cơ quan đổi mới sáng tạo Israel, ông Amiram Aplebaum, Chủ tịch cơ quan này, cho biết: Từ 44 năm trước, Chính phủ Israel đã đứng ra đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tư nhân và có chính sách thành lập quỹ hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp khoa học – công nghệ; cùng nhiều chính sách ưu đãi, đơn cử là thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp gần như bằng 0%.
Cơ quan đổi mới sáng tạo Israel được chia làm 6 phòng: Phòng khởi nghiệp, phòng hạ tầng công nghệ, phòng tăng trưởng, phòng thách thức xã hội, phòng sản xuất tiên tiến và hợp tác quốc tế.
Chỉ riêng năm 2018, phòng khởi nghiệp là cầu nối giúp 213 công ty khởi nghiệp đã nhận được tổng số hỗ trợ khoảng 400 triệu NIS; khoản tài trợ trung bình được trao cho các công ty khởi nghiệp là 1,9 triệu NIS. Ngoài ra, 19 vườn ươm công nghệ hoạt động khắp cả nước, trong đó có 12 vườn ươm hỗ trợ các công ty khoa học đời sống;...
Từ các ví dụ này, có thể thấy, mỗi quốc gia đều có cách thức riêng trong việc phát triển ĐMST của mình, nhưng việc tạo ra một trung tâm ĐMST không còn mới. Mô hình này là "sân chơi" cho cộng đồng khởi nghiệp ĐMST phát triển, hoàn thiện các ý tưởng kinh doanh và công nghệ, kêu gọi đầu tư, qua đó hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Trong một bài nghiên cứu của ông Nguyễn Quốc Đạt, Lê Quang Thái, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ: "Một trong những hình thức hỗ trợ doanh nghiệp phát triển theo hướng ĐMST phổ biến trên thế giới là chính phủ thành lập hoặc hỗ trợ doanh nghiệp thành lập các trung tâm ĐMST để tạo không gian tập trung với sự tham gia của các thành phần cần thiết của hệ sinh thái ĐMST nhằm kết nối, tận dụng những ưu điểm của mỗi thực thể trong mạng lưới để xây dựng một hệ thống bền vững."
"Điểm chung của các trung tâm ĐMST này là đều có sự hậu thuẫn, hỗ trợ của chính phủ hoặc các tập đoàn lớn trong một giai đoạn hoặc toàn bộ quá trình hoạt động, với đặc thù là đơn vị kết nối trung gian không trực tiếp tham gia vào quá trình tạo ra của cải vật chất cho xã hội".
Tại Việt Nam, hoạt động ĐMST đang sôi sục theo từng ngày, từng giờ, không chỉ đến từ các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, hay các doanh nghiệp nội địa mà còn kéo theo nhiều "mối quan tâm" đầy hào hứng từ các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, ĐMST đang là một phần trọng tâm trong quy hoạch của hầu hết các tỉnh thành giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050.
Cuối tháng 10/2023, một sự kiện đánh dấu những thay đổi đáng kể trong công cuộc ĐMST nước ta đã diễn ra: Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) kết hợp Lễ Khánh thành cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (NIC Hòa Lạc), Hà Nội.
Điểm khởi đầu cho sự kiện là Lễ khánh thành NIC Hòa Lạc dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo cấp cao. Tiếp đó, loạt doanh nghiệp ĐMST hàng đầu tại thế giới và Việt Nam như SK, Samsung, SpaceX, Google, Meta, Viettel, VNPT, Sovico, Masan,… đã hiện diện tại 200 gian hàng triển lãm với vô số công nghệ mới lạ, đưa khách tham quan đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác bởi sự "diệu kỳ" mà công nghệ mang lại.
Phát biểu tại Lễ khánh thành NIC Hòa Lạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng sự kiện đã thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để phát triển thành mô hình thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho đất nước.
"Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 cùng với Lễ khánh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia ngày hôm nay cũng chính là hiện thực hóa công cuộc đổi mới sáng tạo bước vào giai đoạn mới", người đứng đầu Chính phủ phát biểu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, VIIE 2023 với điểm nhấn khánh thành NIC Hòa Lạc là sự kiện quan trọng nhất trong năm về ĐMST, mang lại nhiều cơ hội và giá trị cho các bên tham gia.
Nhưng so sánh với những trung tâm đổi mới sáng tạo khác trên thế giới, NIC Hòa Lạc lại sở hữu những điểm khác biệt riêng. "NIC Hòa Lạc là một trong những mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo đầu tiên trên thế giới do nhà nước làm chủ phục vụ mục tiêu chung của quốc gia, có cơ chế và chính sách ưu đãi đặc thù được đã được quy định tại Nghị định riêng của Chính phủ và được đầu tư, vận hành hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đây là một cơ chế tốt để phát huy năng lực sáng tạo của trung tâm. NIC Hòa Lạc sẽ được tiếp thêm rất nhiều động lực, nhờ sự đánh giá cao từ các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào kinh tế, tiềm năng đổi mới sáng tạo của Việt Nam", GS. TSKH Nguyễn Mại nhận định bên lề sự kiện.
NIC Hòa Lạc không chỉ là điểm nhấn mang tính tự hào dân tộc, mà còn ghi nhận những phản hồi tích cực từ nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp nước ngoài. Ông Chad Ovel, Tổng Giám đốc Mekong Capital cho biết, sự kiện khánh thành NIC Hoà Lạc có thể giúp thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao danh tiếng toàn cầu của Việt Nam và có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo việc làm và thúc đẩy các ngành công nghiệp dựa trên công nghệ.
"Chúng tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao kiến thức và các cơ hội kết nối có giá trị, thúc đẩy sự hợp tác và truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai", ông Chad Ovel cho biết.
Hay ông ST Liew, Chủ tịch Qualcomm khu vực Đài Loan, Đông Nam Á và là Phó Chủ Tịch Qualcomm - một tập đoàn về chip bán dẫn hàng đầu thế giới cũng nhận định: "Với sự ra đời của NIC Hòa Lạc, Qualcomm tin rằng NIC sẽ là không gian công nghệ đi đầu cho sự đổi mới và nuôi dưỡng thế hệ nhân tài có tầm nhìn trong tương lai. Tôi tin rằng NIC sẽ mang lại nhiều các giải pháp sáng tạo không chỉ phục vụ người tiêu dùng Việt Nam mà còn trên thế giới". Phó Chủ tịch của Qualcomm cho biết mong muốn được hợp tác cùng NIC để giúp Trung tâm đạt được nhiều thành tựu trong tương lai.
Ngay sau "bước nhảy vọt" hồi cuối tháng 10, hàng loạt hoạt động về thúc đẩy hợp tác đầu tư về ĐMST tại NIC diễn ra liên tục, đặc biệt về phát triển bán dẫn và AI.
Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có buổi tiếp đón và làm việc với Chủ tịch Nvidia tại không gian đổi mới sáng tạo lớn nhất Việt Nam. Ngay tại đây, CEO tập đoàn chip nghìn tỷ USD, ông Jensen Huang đánh giá cao tiềm năng lớn và cơ hội của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn và AI, đặc biệt là nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.
"Hiện nay là cơ hội phi thường cho Việt Nam. Việt Nam đã chuẩn bị tốt và đây là thời cơ của các bạn. Thời điểm cực kỳ tuyệt vời cho hai bên thiết lập quan hệ chiến lược về AI và chip – cả hai ngành mang tính sống còn cho sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia. Chúng tôi sẽ mở rộng hơn nữa mối quan hệ đối tác đã có sẵn với Việt Nam, đương nhiên sẽ đóng góp cho AI Việt Nam trong tương lai", vị CEO cam kết để biến Việt Nam thành quê hương thứ hai và thành lập pháp nhân tại nước ta.
Ông Huang cũng cho biết vấn đề hiện giờ là cần năng cao kỹ năng và xây dựng 1 triệu chuyên gia AI. Đây sẽ là đội ngũ hùng hậu nhất trên thế giới. "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để nâng cao kỹ năng và hạ tầng AI", CEO Tập đoàn Nvidia tuyên bố.
Trước đó, ngày 7/12, tọa đàm "Sự sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam" do NIC tổ chức đã quy tụ hàng loạt ông lớn bán dẫn Hoa Kỳ tham gia như Intel, Ampere, ARM, Synopsys, Qualcomm, Marvell, Synopsys, Infineon.
Đáp lại lời mời "thành lập NIC Hoà Lạc để sẵn sàng đón nhận dự án đầu tư ngành bán dẫn với các chế độ ưu đãi nhất" của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) cho biết: "Chúng tôi nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu".
Các doanh nghiệp thành viên SIA cũng đã thông báo những kế hoạch đầu tư mới và dự định phát triển tại thị trường đầy tiềm năng này; trong đó có việc bảo hộ trí tuệ sáng tạo thông qua hợp tác vs các trường ĐH, viện nghiên cứu, Chính phủ để phát triển nguồn nhân lực; đồng thời là sự tăng tốc của cơ sở hạ tầng.
Đến chiều 16/11, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cùng đại diện lãnh đạo NIC, Cục Đầu tư nước ngoài, đại diện xúc tiến đầu tư của Bộ tại San Francisco đã có buổi gặp và làm việc với Trường Đại học Bang Arizona (ASU).
Theo đó, hai bên trao đổi chi tiết hợp tác xây dựng trung tâm đào tạo, R&D, công viên công nghệ chip, bán dẫn tại Việt Nam; thúc đẩy hoạt động phát triển chip, bán dẫn tại Việt Nam thông qua Quỹ trợ cấp 500 triệu USD của Mỹ.
Cụ thể là phối hợp với NIC triển khai các hoạt động của dự án trị giá 13,8 triệu USD trong vòng 2 năm về phát triển công nghiệp bán dẫn tại một số quốc gia trên thế giới mà ASU đã nộp hồ sơ để xin tài trợ từ Chính phủ Mỹ; và hợp tác phát triển nguồn nhân lực về bán dẫn tại Việt Nam, trong đó có thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Về nguồn nhân lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang triển khai hợp tác với các trường đại học lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Bách Khoa, Trường Đại học CMC,… hiện thực hóa mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn, một trong những ngành công nghiệp trọng tâm trong thời gian tới.
Ngay trong lễ khánh thành NIC Hòa Lạc, Thủ tướng từng nhấn mạnh việc hoàn thành đưa vào khai thác Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia chỉ là sự khởi đầu của giai đoạn phát triển mới trong việc cung cấp hạ tầng đồng bộ để góp phần đẩy nhanh, đẩy mạnh hơn nữa hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Các bộ ngành, cơ quan và doanh nghiệp cần phải làm nhiều hơn nữa để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư với NIC Hòa Lạc. Theo đó, Thủ tướng đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm hoàn thiện thể chế, chính sách về ĐMST; xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động; phát huy tinh thần hợp tác, kết nối với hiệu quả bền vững, toàn diện; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong ĐMST và KHCN;…
Ông Simon Milner - Phó Chủ tịch Tập đoàn Meta, phụ trách Chính sách công khu vực châu Á - Thái Bình Dương tin tưởng: "Với sự mở cửa kinh tế, tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, dân số trẻ nhiệt huyết, cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Việt Nam đang có đà để đạt mục tiêu các công nghệ sáng tạo đổi mới sẽ đóng góp 40% vào tăng trưởng kinh tế trong năm 2030".
Như vậy, với tầm nhìn và sứ mệnh của mình, trong tương lai, NIC Hòa Lạc không chỉ kết nối hệ sinh thái ĐMST trong nước, mà còn kết nối với mạng lưới các Trung tâm Đổi mới sáng tạo trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là cách để Việt Nam nâng cao vị thế trong bản đồ ĐMST nói riêng và trên hành trình trở thành "con hổ" châu Á mới nói chung.