Sức mạnh đáng gờm của công nghệ thế hệ mới đằng sau ChatGPT

Admin
Gần 4 tháng kể từ khi OpenAI gây chấn động ngành công nghệ kỹ thuật với ứng dụng ChatGPT, công ty này chuẩn bị ra mắt phiên bản công nghệ thế hệ tiếp theo hỗ trợ công cụ chatbot.

Trong một bài đăng blog ngày 15/3, OpenAI đã giới thiệu công nghệ GPT-4 có khả năng vượt qua các bài kiểm tra tiêu chuẩn và giảm thiểu xác suất công nghệ đưa ra những phản hồi lạc đề như một số người dùng đã gặp phải trước đây.

OpenAI cho biết công nghệ cập nhật này đã vượt qua kỳ thi mô phỏng luật sư của trường luật với số điểm nằm trong 10% người dự thi có điểm cao nhất. Theo công ty, GPT-4 cũng có thể đọc, phân tích hoặc tạo văn bản lên tới 25.000 từ và viết mã bằng tất cả các ngôn ngữ lập trình.

OpenAI mô tả bản công nghệ cập nhật là cột mốc mới nhất đối với công ty. Mặc dù công nghệ này so với con người vẫn còn kém xa trong nhiều tình huống thực nhưng nó thể hiện hiệu suất ở cấp độ con người nếu xét trên các lĩnh vực chuyên môn và học thuật khác nhau.

GPT-4 là phiên bản mô hình ngôn ngữ mới nhất của OpenAI, được phát triển dựa trên lượng dữ liệu trực tuyến khổng lồ nhằm đưa ra những câu trả lời hấp dẫn khi đối thoại với người dùng. Phiên bản cập nhật đã được đưa vào một số sản phẩm của bên thứ ba, bao gồm ứng dụng Bing của Microsoft.

"Chúng tôi vui mừng xác nhận phiên bản Bing mới đang chạy trên GPT-4. Nếu bạn đã sử dụng bản xem trước của phiên bản Bing mới trong 5 tuần qua, thì bạn đã được trải nghiệm GPT-4", đại diện Microsoft cho biết ngày 14/3.

Từ khi ra mắt vào tháng 11 năm ngoái, ChatGPT đã thu hút sự chú ý của thế giới nhờ khả năng viết luận, làm thơ hoặc viết code theo yêu cầu chỉ trong vài giây. Đây là phần mềm có tốc độ thu hút người dùng nhanh nhất khi đạt 57 triệu người dùng sau 1 tháng ra mắt và cán mốc 100 triệu tính đến ngày 31/1 vừa qua. Tuy nhiên, công cụ này cũng đặt ra nhiều vấn đề về nguy cơ thông tin sai lệch và gian lận về học vấn.

Các chatbot có trang bị trí tuệ nhân tạo (AI), bao gồm các công cụ của Microsoft và Google, đã bị chỉ trích trong những tuần gần đây vì đưa ra các câu trả lời mang cảm tính và có lỗi sai, một thuật ngữ mà các chuyên gia gọi là "ảo giác".

OpenAI cho biết cần hết sức cẩn thận khi sử dụng các kết quả mà ChatGPT đưa ra, đặc biệt là trong các tình huống mang tính rủi ro cao.

Thông tin cập nhật công nghệ mới được đưa ra 2 tuần sau khi OpenAI thông báo họ sẽ cho phép các doanh nghiệp bên thứ 3 quyền truy cập vào ChatGPT, mở đường cho chatbot được tích hợp vào nhiều ứng dụng và dịch vụ.

Instacart, Snap và ứng dụng gia sư Quizlet nằm trong số những đối tác đầu tiên thử nghiệm công cụ này. Vào tháng 1, Microsoft đã xác nhận rằng họ đang đầu tư hàng tỷ USD vào OpenAI và kể từ đó đã triển khai công nghệ này cho một số sản phẩm của mình, bao gồm cả công cụ tìm kiếm Bing.