Từ ngày 8-8, chủ thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ quốc tế của các ngân hàng (NH) gồm Vietcombank, MB, Techcombank, ACB, Sacombank và VPBank có thể thông qua ứng dụng Apple Pay trên các thiết bị iPhone, iPad, Apple Watch để thanh toán trực tiếp khi mua sắm hay sử dụng dịch vụ thay cho thẻ vật lý của các ngân hàng.
Theo các NH, đây là phương thức thanh toán an toàn, bảo mật và riêng tư hơn, chủ thẻ không cần đưa thẻ thanh toán cho người khác hoặc chạm vào các nút thanh toán vật lý khi giao dịch.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, người dùng Việt Nam rất háo hức khi Apple Pay chính thức được sử dụng tại Việt Nam. Ngay cả những người có thẻ tín dụng của các NH chưa kết nối Apple Pay cũng thử liên kết với ứng dụng này nhưng thất bại. Chị Thu Phương (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết rất mong NH phát hành thẻ của chị sớm liên kết với Apple để chị có thể sử dụng Apple Pay.
"Apple Pay đến Việt Nam là tín hiệu rất tốt. Điều này chứng tỏ thị trường Việt Nam ngày càng quan trọng đối với hãng công nghệ này. Tôi thấy rất nhiều người dùng Samsung Pay để thanh toán rất tiện lợi, trong khi lượng người dùng iPhone ở Việt Nam rất nhiều mà chưa thấy Apple Pay có mặt. Tuy vậy, Apple cần mở rộng thêm các điểm chấp nhận thanh toán mới thật sự tạo thuận lợi cho người dùng" - chị Thu Phương nói.
Ngày càng nhiều phương thức thanh toán không tiền mặt được áp dụng ở thị trường Việt Nam .Ảnh: BÌNH AN
Đây không phải lần đầu tiên một phương thức thanh toán qua di động của nước ngoài có mặt ở thị trường Việt Nam. Trước Apple Pay, cả Samsung Pay và Google Pay đều đã xuất hiện nhưng chưa có sự đột phá, chưa đủ sức cạnh tranh với các phương thức thanh toán khác trong việc lấy lòng người dùng Việt Nam.
Tuy vậy, với Apple Pay, đại diện một NH thương mại cho rằng có thể tạo làn sóng mới khi lượng người dùng các thiết bị Apple ở Việt Nam rất lớn, đặc biệt là iPhone và độ bảo mật của các dòng điện thoại này được người dùng gần như tin tưởng tuyệt đối.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, nhấn mạnh sự ra mắt của Apple Pay đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Trước sự xuất hiện của nhiều ứng dụng ngoại, nhiều ví điện tử, nền tảng thanh toán trong nước đang triển khai thêm nhiều phương thức thanh toán mới đáp ứng nhu cầu cho cả người dùng cá nhân và điểm bán hàng, cung cấp dịch vụ.
Bà Lê Lan Chi, Tổng Giám đốc ZaloPay, cho hay ví điện tử này "sinh sau đẻ muộn" so với các ví và ứng dụng NH số khác khi đến năm 2019 mới có khoảng 900.000 người dùng. Nhưng ZaloPay đã có cuộc bứt phá ngoạn mục khi đạt khoảng 11,5 triệu tài khoản đang hoạt động và liên tục bổ sung những tính năng, dịch vụ mới, đủ sức cạnh tranh với ứng dụng khác.
"Mới đây, chúng tôi đã cho ra mắt mã QR ZaloPay đa năng (kết hợp giữa mã QR của ZaloPay và VietQR) giúp các cửa hàng bán lẻ, hộ kinh doanh và cả những thương hiệu bán lẻ lớn giải bài toán đồng nhất 1 mã QR để quét tất cả ứng dụng NH thương mại, ví điện tử khác" - bà Nguyễn Trần Phương Ngọc, Giám đốc marketing của ZaloPay, nói.
Bà Lê Lan Chi còn cho hay sắp tới ZaloPay có thể triển khai tính năng quét mã QR xuyên biên giới, để khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam sẽ quét được mã QR đa năng từ ví điện tử này bằng chính tài khoản của họ.
Chưa hỗ trợ ATM nội địa
Trên trang web chính thức của Apple Việt Nam, hãng cho biết khi người dùng thêm thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ vào ứng dụng Ví, số thẻ thật sẽ không được lưu lại trên cả thiết bị, lẫn máy chủ của Apple.
Thay vào đó, một số tài khoản thiết bị duy nhất sẽ được gán, mã hóa và lưu trữ an toàn trong Secure Element trên thiết bị của khách hàng. Đồng thời, mỗi giao dịch sẽ được ủy quyền thông qua một mã bảo mật động dùng một lần.
"Apple không lưu giữ thông tin giao dịch có liên quan tới khách hàng. Giao dịch sẽ chỉ diễn ra giữa khách hàng, người bán hoặc nhà phát triển, ngân hàng hoặc đơn vị phát hành thẻ của họ" - Apple cho biết. Tuy nhiên, nền tảng này chưa hỗ trợ thẻ ATM nội địa.