Tiếp sức để doanh nghiệp bứt phá

Admin
Bên cạnh giải pháp khơi thông các nguồn vốn cho doanh nghiệp, trong đó có nguồn vốn tín dụng - đã được điều chỉnh nới hạn mức thêm 1,5%-2% trong năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp còn mong muốn được hỗ trợ về thuế, phí, môi trường đầu tư - kinh doanh...

Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP HCM:

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh

Năm 2022, ngành ngân hàng cả nước, trong đó có địa bàn TP HCM, đã triển khai nhiều chính sách tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp (DN), góp phần cải thiện môi trường đầu tư. Nhóm chính sách hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 gồm: cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; giảm lãi suất cho DN; cho vay mới với lãi suất thấp. 

Trong đó, chính sách cho vay ngắn hạn bằng VNĐ lãi suất không quá 5,5%/năm đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc giúp DN giảm áp lực về chi phí tài chính.

Trong bối cảnh lãi suất cho vay nhích lên thời gian qua, việc duy trì cho vay với lãi suất như nêu trên đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên là một nỗ lực rất lớn của các ngân hàng thương mại. Dư nợ cho vay của nhóm DN thuộc phân khúc này trên địa bàn TP HCM hiện khoảng 200.000 tỉ đồng. Theo quy định, DN sản xuất - kinh doanh minh bạch về tài chính, có kiểm toán, có số dư lợi nhuận 3 năm liền kề dương... sẽ tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất thấp này.

Năm 2023, ngành ngân hàng TP HCM sẽ tiếp tục triển khai chính sách cho vay ngắn hạn bằng VNĐ với lãi suất 5,5%/năm bên cạnh các chương trình kết nối ngân hàng và DN cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác để tiếp sức cho cộng đồng DN. 

Cùng với đó, cải cách hành chính và phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng, giúp DN giảm chi phí giao dịch, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và hiệu quả hoạt động. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và củng cố niềm tin của người dân, DN đối với ngành ngân hàng.

Ông TRẦN NGỌC LIÊM, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP HCM:

Doanh nghiệp chủ động ứng phó thách thức

DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đang gặp khó khăn, nhất là khi đơn hàng giảm sút từ tháng 9-2022. Nhiều DN giảm đến 80% đơn hàng và dự báo tiếp tục sụt giảm trong năm 2023, dẫn đến tình trạng thiếu việc làm cho người lao động. 

Nguyên nhân là do các thị trường bạn hàng lớn như Mỹ, Trung Quốc gặp khó khăn trong những tháng qua. Tuy nhiên, một tín hiệu khả quan là xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam - đang tích cực trở lại khi nước này chuẩn bị mở cửa biên giới.

Để chủ động ứng phó với khó khăn, thách thức trong năm 2023, các DN cần chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường mới, đơn hàng mới; khai thác tốt hơn ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do. Để hỗ trợ DN, các cơ quan chức năng cần đưa ra những phân tích và định hướng trong việc tìm kiếm thị trường mới. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng tổ chức nhiều sự kiện giới thiệu, quảng bá về các thị trường mới với nhiều điểm thú vị có thể khai thác như Trung Đông, Tây Phi...

Ở góc độ vĩ mô, cộng đồng DN mong muốn các chính sách của nhà nước khi ban hành cần có lộ trình thực hiện, có thể dự báo và lường trước được; tránh giật cục, không kịp thời, không khả thi. Quan trọng nhất là Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục triển khai những chính sách hỗ trợ DN và người lao động trong năm 2023.

Ông NGUYỄN QUỐC KỲ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel:

Cần gói tín dụng ưu đãi cho du lịch, hàng không

Vietravel là DN duy nhất kinh doanh cả lĩnh vực hàng không và du lịch trong khi 2 lĩnh vực này đều đang rất khó khăn về vốn. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng một gói tín dụng riêng cho du lịch - lĩnh vực được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Thực tế, DN du lịch và hàng không thời gian qua gần như không tiếp cận được các gói hỗ trợ phục hồi sau dịch của Chính phủ hoặc chỉ tiếp cận nhỏ giọt với điều kiện rất khắt khe.

Trong khi chờ đợi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có chính sách đưa DN du lịch, lữ hành quốc tế vào diện được ưu tiên cho vay vốn, chúng tôi kiến nghị gia hạn đối với gói tín dụng đã cấp; được hỗ trợ không bị nhảy nhóm nợ đến ngày 30-6-2023. 

Bên cạnh đó, cần rà soát lại điều kiện cấp tín dụng bởi điều kiện áp dụng cho giai đoạn trước và sau dịch COVID-19 hiện như nhau, trong khi DN đã suy yếu rất nhiều trong 2 năm qua, tài sản thế chấp phần lớn đã nằm ở các ngân hàng thương mại cho những khoản vay trước đó.

Trong lĩnh vực hàng không, chúng tôi mong muốn Chính phủ duy trì hỗ trợ chi phí liên quan xăng dầu, môi trường, dẫn đường hạ/cất cánh đến hết năm 2023. Bởi lẽ, DN cũng đang chật vật cân đối nguồn tài chính để duy trì hoạt động, doanh thu chưa bù đắp được chi phí, nguồn lực bị bào mòn. Hàng không có phục hồi tốt thì du lịch mới nhanh chóng phát triển trở lại.


Tiếp sức để doanh nghiệp bứt phá - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp dịp cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 Ảnh: Bình AnBà NGUYỄN THỊ MỸ HẠNH, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB):

Giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng

Thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ khách hàng đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh dịp cuối năm 2022, MSB đã công bố chương trình ưu đãi giảm lãi suất cho vay với hạn mức giải ngân lên đến 2.000 tỉ đồng. 

Đối tượng được hưởng ưu đãi là khách hàng cá nhân sản xuất - kinh doanh hoặc làm việc trong các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên như hàng không, vận tải, kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục - đào tạo lần đầu đăng ký vay vốn tại MSB. Từ tháng 12-2022, mức lãi suất ưu đãi sẽ được giảm từ 2,5 đến 3 điểm % so với lãi suất thông thường đối với khoản vay trung và dài hạn.

Cùng với giảm lãi suất, MSB còn ưu đãi các phí dịch vụ, linh hoạt về thủ tục, hồ sơ vay vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay nhanh chóng, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng dịp cận Tết. Chúng tôi hy vọng chương trình này sẽ kịp thời tiếp sức cho khách hàng thực hiện kế hoạch tài chính cuối năm, hoàn thành các mục tiêu sản xuất - kinh doanh.

Bà LÝ KIM CHI, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM:

Kiến nghị gia hạn giảm 2% thuế GTGT

Dù đối mặt nhiều khó khăn và thách thức nhưng trong năm 2022, các DN chế biến lương thực - thực phẩm ở TP HCM vẫn cố gắng duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống người lao động và đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đạt được thành quả này là nhờ Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo và có những chính sách hỗ trợ kịp thời. Trong đó, chính sách giảm 2% thuế GTGT áp dụng trong năm 2022 đã phát huy hiệu quả rất cao, tác động nhanh và trực tiếp, kích thích sản xuất và tiêu dùng.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay vẫn chưa thực sự ổn định, nhiều DN vẫn phải căng kéo, rất dễ bị tổn thương. Để hỗ trợ DN tiếp tục phục hồi, chúng tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét gia hạn chính sách giảm 2% thuế GTGT đến ngày 31-12-2023. Đa số DN đánh giá cao tính thiết thực của chính sách giảm thuế GTGT và mong muốn được gia hạn.

Riêng ngành lương thực - thực phẩm, việc gia hạn chính sách giảm 2% thuế GTGT sẽ tiếp thêm động lực giúp DN giải bài toán khó hiện nay một cách thiết thực. Từ đó, các DN bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa, giữ bình ổn giá cả, nâng cao chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm...

Ông PHẠM NHƯ ÁNH, thành viên Ban Điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MB):

Hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên

Thời gian qua, hệ thống ngân hàng đối mặt nhiều khó khăn do tác động của tình hình thế giới và trong nước. Tại MB, dù áp lực tăng lãi suất là có nhưng nhờ thực hiện chuyển đổi số nên giá vốn bình quân giảm, tiết kiệm chi phí vận hành.

Trong đó, việc MB có tới 20 triệu khách hàng có tài khoản thanh toán sẽ góp phần giúp huy động được nguồn vốn từ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lãi suất thấp, từ đó giảm chi phí huy động chung của ngân hàng, tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay.

Chúng tôi cũng luôn có kế hoạch hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu trong năm 2022; kế hoạch năm 2023 cũng tiếp tục triển khai quyết liệt để hướng dòng vốn đi đúng hướng. Phần dư địa vừa được nới hạn mức tín dụng, MB cũng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực ưu tiên.