TikTok thua kiện liên quan nghĩa vụ thực hiện Đạo luật Thị trường kỹ thuật số của EU

Admin
Ngày 9/2, Tòa sơ thẩm châu Âu có trụ sở ở Luxembourg đã bác đơn kiện của TikTok về việc tuân thủ quy định trong Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA), dự kiến có hiệu lực vào tháng 3 tới.
TikTok thua kiện liên quan nghĩa vụ thực hiện Đạo luật Thị trường kỹ thuật số của EU- Ảnh 1.

Biểu tượng mạng xã hội TikTok trên màn hình điện thoại ở Virginia, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

DMA được công bố tháng 9/2023, buộc 6 "ông lớn" ngành công nghệ gồm Google (thuộc Alphabet), Amazon, Apple, Meta, Microsoft và ByteDance - công ty Trung Quốc sở hữu nền tảng chia sẻ video thông dụng TikTok, phải thay đổi cách thức hoạt động theo hướng tạo ra một thị trường công bằng hơn.

TikTok đã đệ đơn kiện lên Tòa sơ thẩm châu Âu về việc công ty này bị xếp vào danh sách các công ty có nghĩa vụ thực hiện DMA vào tháng 11 năm ngoái và yêu cầu tạm dừng nghĩa vụ tuân thủ DMA của TikTok. ByteDance lập luận rằng việc tuân thủ DMA có nguy cơ khiến họ phải tiết lộ thông tin chiến lược quan trọng liên quan đến hoạt động định hình người dùng của TikTok, vốn không thuộc phạm vi công khai.

Tuy nhiên, Tòa sơ thẩm nêu rõ: "ByteDance đã không chứng minh được tính cần phải có khẩn cấp một phán quyết tạm thời nhằm tránh thiệt hại nghiêm trọng và không thể khắc phục."

Người phát ngôn của TikTok cho biết công ty thất vọng với quyết định của tòa án, nhưng mong muốn vụ kiện được giải quyết nhanh chóng. Người này cũng nói thêm rằng TikTok đã và đang chuẩn bị tuân thủ DMA và sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của mình.

TikTok không phải là công ty duy nhất thúc đẩy quy trình pháp lý chống lại EU về vấn đề này. Meta đã thông báo công ty này sẽ có hành động pháp lý chống lại EU về khoản phí mà các công ty công nghệ lớn nhất thế giới phải trả theo luật kiểm duyệt nội dung.

DMA là một trong những đạo luật cứng rắn nhất thế giới nhắm vào thị trường của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, cũng như nhằm mục đích giúp mọi người chuyển đổi dễ dàng hơn giữa các dịch vụ cạnh tranh, chẳng hạn như giữa các mạng xã hội, trình duyệt internet và cửa hàng ứng dụng. Cơ quan quản lý EU xác định 22 dịch vụ của các công ty công nghệ lớn, trong đó có Facebook, Instagram và một số sản phẩm của Alphabet như YouTube phải tương tác với các dịch vụ đối thủ và cho phép người dùng quyết định ứng dụng nào có thể được cài sẵn trên thiết bị của họ, qua đó đảm bảo quảng cáo minh bạch, các cửa hàng ứng dụng hết độc quyền, không còn ứng dụng mặc định...