Gian hàng của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) nằm trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023) được tổ chức tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Hà Nội). Điểm nổi bật của gian hàng Viettel là hệ sinh thái 5G và hệ sinh thái AI - hai hệ sinh thái nổi bật về sự tiên phong đổi mới sáng tạo được thương hiệu này mang đến trưng bày.
Nổi bật nhất trong hệ sinh thái 5G VIettel là con CHIP 5G DFE, thành phần phức tạp nhất của hệ sinh thái - do các kỹ sư Viettel làm chủ hoàn toàn việc thiết kế. Dòng chip này có khả năng tính toán 1.000 tỷ phép tính/giây, giúp xử lý các thuật toán, điều khiển toàn bộ hoạt động của khối thu, phát tín hiệu và giao tiếp tốc độ cao với các khối xử lý 5G khác. Đây là sản phẩm được các đối tác uy tín như Synopsys đánh giá cao.
Anh Võ Tùng Cương, kỹ sư Viettel tham gia thiết kế chip cho biết việc sử dụng Chip do người Việt tự nghiên cứu, sản xuất giúp chúng ta đảm bảo an toàn an ninh mạng quốc gia. Vì thế, Viettel quyết tâm làm chủ bằng được công nghệ sản xuất chip 5G. Đây cũng là bước tiến quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Tiến sĩ Stefan Laser, giảng viên Đại học người Đức, lĩnh vực năng lượng trao đổi với anh Lê Thái Hà - Giám đốc trung tâm Chip, Tổng công ty Công nghệ cao Viettel về kết quả nghiên cứu mới nhất của Viettel. Tiến sĩ Stefan Laser bày tỏ sự ấn tượng với những gì mà Viettel đã đạt được.
Bên cạnh CHIP 5G DFE, Viettel còn làm chủ thiết kế, tự sản xuất được các thiết bị khác trong hệ thống mạng 5G như các thiết bị truyền dẫn, trạm thu phát sóng, khối thu phát xử lý tín hiệu cao tần 5G. Trong ảnh là bảng mạch 5G có 32 ăng ten thu và 32 ăng ten phát, có vùng phủ sóng rộng, có thể đáp ứng 1.500 chiếc điện thoại.
Thiết bị truyền dẫn tốc độ cao 5G, nhanh gấp hàng chục lần thiết bị truyền dẫn 4G. Hiện Viettel đã chế tạo 700 bộ và thử nghiệm thành công tại 4 tỉnh, thành trên cả nước.
Bên cạnh hệ thống mạng 5G, Viettel cũng “trình làng" Viettel AI Video KYC. AI vượt trội với các chat bot khi giao tiếp bằng video, tạo thiện cảm với khách hàng. Không những thế, Viettel AI Video KYC còn giúp xác minh khách hàng, có khả năng đọc khẩu hình miệng, giúp doanh nghiệp tiết kiệm gần 60 tỷ đồng/năm. Tỉ lệ duyệt đơn hàng trên bot xấp xỉ 90%, giúp xử lý hàng trăm nghìn cuộc gọi video call mỗi tháng, hoạt động 24/7.
Viettel cũng giới thiệu trợ lý ảo pháp luật để sử dụng trong toà án và cho các công chức. Trong đó, trợ lý ảo pháp luật sử dụng trong toà án đã đưa vào hơn 160.000 văn bản pháp luật, 63 án lệ, hơn một triệu bản án. Còn trợ lý công chức đã được tích hợp hơn 20.000 văn bản pháp luật còn hiệu lực. Bên cạnh đó, trợ lý ảo pháp luật còn tích hợp Chat GPT để suy đoán nghĩa của câu hỏi và giúp đưa ra câu trả lời một cách tự nhiên hơn.
Anh Bùi Mạnh Trí (áo trắng, đang công tác tại ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Thái Bình) cho biết anh là người thường xuyên cần tra cứu luật pháp nên trợ lý ảo pháp luật của Viettel giúp giảm thời gian làm việc, đáp ứng được các câu hỏi cơ bản. Tương lai, anh hy vọng trợ lý ảo sẽ được tiếp tục cải tiện, tích hợp thêm nhiều văn bản pháp luật.
Nhiều cơ hội hợp tác mới cũng được mở ra trong khuôn khổ triển lãm Đổi mới sáng tạo. Trong ảnh, Phó Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Đình Chiến đang trao đổi với đại diện của John Cockerill – một Tập đoàn của Bỉ trong lĩnh vực năng lượng.
Nằm trong khu vực trình diễn của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (cơ sở Hòa Lạc), gian hàng Viettel được thiết kế theo mô hình triển lãm Digital đa chiều, kết hợp giữa trình diễn giải pháp công nghệ và những hình ảnh truyền cảm hứng mang tính nghệ thuật, thể hiện xuyên suốt tinh thần “Khi công nghệ tiến lên phía trước, không ai bị bỏ lại phía sau”.
Gian hàng của Viettel đã được đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính ghé thăm trong sáng 28/10.