TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp

Admin
Chiếm khoảng 48% giá trị trong sản xuất nông nghiệp của toàn thành phố, TP Hồ Chí Minh đã và đang tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học hướng đến nền nông nghiệp đô thị, hiện đại bền vững.

Tốc độ đô thị hóa nhanh, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, ngành nông nghiệp TP Hồ Chí Minh đang chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng; đồng thời giảm diện tích trồng lúa, trồng mía, làm muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao phù hợp với điều kiện của thành phố.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 113.634 ha đất nông nghiệp, chiếm 54,23% tổng diện tích đất tự nhiên; trong đó diện tích ứng dụng công nghệ cao đến nay lên trên 400 ha. Những năm qua, Thành phố cũng đã hình thành Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao… Thành phố cũng đã hỗ trợ việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và nhiều quy trình sản xuất công nghệ cao đã được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả tại các doanh nghiệp, tổ chức và hộ nông dân trên địa bàn thành phố.

TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp - Ảnh 1.

Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh là khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của Việt Nam với diện tích 88,17 ha tọa lạc tại Củ Chi với tổng kinh phí đầu tư 152 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Khu đã thu hút nhiều dự án đầu tư trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc các lĩnh vực như hoa lan, cây kiểng và hoa các loại; sản xuất rau sạch, sản xuất nấm, cây dược liệu; sản xuất giống cá cảnh như cá dĩa và cá chép Koi; sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp...

TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp - Ảnh 2.

Mô hình dưa lưới trồng trong nhà màng tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị với những cách làm mới, gắn sản xuất với chuỗi giá trị nông sản và hướng đến xuất khẩu xuất hiện ngày càng nhiều, nâng dần tỷ lệ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố. Theo thống kê, nếu năm 2010, tỷ lệ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 10% thì đến nay tỷ lệ này được nâng lên khoảng 48% trong sản xuất nông nghiệp, giúp gia tăng đáng kể thu nhập cho người dân vùng nông thôn.

TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp - Ảnh 3.

Mô hình trồng rau thủy canh rộng 2.000m2 ứng dụng khoa học công nghệ của anh Nguyễn Tất Nhu (ngụ xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân, mỗi tháng, cơ sở của anh cung cấp khoảng 1 tấn rau cho các siêu thị trên địa bàn thành phố.

Là đơn vị chủ lực trong nghiên cứu, lai tạo giống, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, ông Lê Văn Cửa, Phó Trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết: “Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh là đơn vị hình thành đầu tiên trong cả nước và đi vào hoạt động từ năm 2010. Đây là nơi đầu tàu trong các bước xây dựng, hình thành và phát triển, tạo ra điểm nhấn đột phá phục vụ cho nông nghiệp TP Hồ Chí Minh nói riêng cũng như cả nước nói chung”.

Cũng theo ông Lê Văn Cửa, nhiệm vụ trọng tâm của Khu nông nghiệp công nghệ cao là đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm công nghệ cao phục vụ phát triển lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Bên cạnh đó, Khu cũng tập trung chọn lọc, lai tạo và sản xuất giống cây, giống con năng suất, chất lượng cao phục vụ cho sản xuất; nhất là tạo giống hoa, cây kiểng, rau ăn lá...

TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp - Ảnh 4.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao thuộc Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp - Ảnh 5.
TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp - Ảnh 6.

Phòng nuôi cấy mô tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

“Trong những năm qua, ngoài chuyển giao khoa học công nghệ tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi còn chuyển giao cho các tỉnh Phú Yên, Bạc Liêu, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Lâm Đồng, Đắk Nông… Ngoài ra, hàng năm chúng tôi còn chuyển giao từ 10 - 20 doanh nghiệp tại các địa phương và cung cấp từ 1 - 2 triệu cây giống các loại. Bên cạnh đó, chúng tôi đang có đề án phát triển khả năng tăng nguồn năng lực đáp ứng 5 triệu cây trở lên”, ông Cửa chia sẻ.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, mặc dù nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của TP Hồ Chí Minh, nhưng lãnh đạo Thành phố cũng đã có những chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp - Ảnh 7.
TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp - Ảnh 8.

Công ty Nấm Trang Sinh hoạt động trong Khu nông nghiệp công nghệ cao, là đơn vị ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng, sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu.

“Hiện nay, chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một chương trình nằm trong đề án kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thành phố sẽ tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao”, ông Đinh Minh Hiệp cho biết thêm.

TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp - Ảnh 9.

Nhân viên Khu nông nghiệp công nghệ cao kiểm tra hệ thống tưới nước nhỏ giọt.

TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp - Ảnh 10.

Hệ thống tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước và điều tiết lượng dinh dưỡng đến mỗi cây đồng đều.

TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp - Ảnh 11.

Mô hình dưa lưới trồng trong nhà màng tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cũng theo ông Đinh Minh Hiệp, một trong những giải pháp quan trọng đó là phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp, tổ chức các nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao thể hiện vai trò của Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học; đặc biệt là việc gắn kết giữa các trường, viện với các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp chặt chẽ với Hội nông dân để cùng với các thành viên của CLB sản xuất kinh doanh giỏi xây dựng những mô hình trình diễn, giúp lan tỏa cho mọi người dân, qua đó đóng góp những sản phẩm chủ lực cho Thành phố.