Trung Quốc đẩy mạnh phát triển công nghệ giao diện não - máy tính

Admin
Công nghệ giao diện não - máy tính ở Trung Quốc dự kiến sẽ phát triển nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ chính sách, tiến bộ công nghệ và nhu cầu tăng cao.

Giao diện não - máy tính (BCI) là công nghệ cho phép não bộ kết nối với máy tính, giúp con người điều khiển máy móc bằng cách sử dụng suy nghĩ của chính họ hoặc tăng khả năng xử lý của não bộ. Đây là công nghệ tiên tiến có thể hỗ trợ phục hồi chức năng cho bệnh nhân mắc các bệnh liên quan thần kinh và tổn thương về não trong tương lai.

Tại Bệnh viện Ruijin thuộc Đại học Y khoa Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc), ca phẫu thuật sử dụng máy tạo nhịp não có chức năng giao diện não-máy tính và kích thích đa mục tiêu kết hợp để điều trị trầm cảm đã được thực hiện thành công vào năm 2020, lần đầu tiên trên thế giới. Bệnh viện gần đây đã thông báo về sự phục hồi hiệu quả của bệnh nhân.

Anh Wu Xiaotian, 31 tuổi, phải chiến đấu với chứng trầm cảm suốt 16 năm. Căn bệnh trầm cảm khiến đầu óc anh trống rỗng, thậm chí không thể diễn đạt những giao tiếp đơn giản như "xin chào". Trong những giai đoạn khó khăn nhất, Wu thậm chí còn nằm bất động trên giường cả ngày.

“Đối với tôi, xung quanh như một thế giới vô hồn" , anh chia sẻ.

Giờ đây, Wu đã trở thành một người đàn ông hạnh phúc. Một thiết bị điều hòa thần kinh, hay còn gọi là máy tạo nhịp não, được gắn trong khoang ngực phải của anh. Nó kết nối với hai điện cực, kéo dài từ thiết bị trước ngực đến sau tai, rồi từ não sau đến não trước, đi qua các nhân thần kinh ở đầu trước của não. Sự kích thích điện của các dây thần kinh này làm cho các triệu chứng trầm cảm biến mất.

Wu có thể pha trò và nói chuyện với người lạ mà không hề do dự, ngâm nga những bài hát mà anh thích.

Trung Quốc đẩy mạnh phát triển công nghệ giao diện não - máy tính- Ảnh 1.

Một thử nghiệm công nghệ giao diện não - máy tính của Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Trung Quốc đã nghiên cứu và phát triển công nghệ giao diện não - máy tính trong nhiều năm qua. Không chỉ đạt được những bước đột phá trong nghiên cứu cơ bản, mà nước này còn triển khai thành công các ứng dụng thực tế trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục và giải trí.

Năm 2016, Trung Quốc đã khởi động chương trình Dự án Não bộ Trung Quốc (CBP), còn được gọi là Khoa học Não bộ và Công nghệ Trí tuệ Giống Não bộ. Trong dự án này, giao diện não - máy tính đóng vai trò then chốt và cho thấy tiềm năng phát triển to lớn trong nhiều lĩnh vực.

"Dù vậy lĩnh vực công nghệ giao diện não - máy tính của Trung Quốc vẫn chưa hoàn thiện, với một số mắt xích yếu còn tồn tại như chip. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của chính sách và tiến bộ công nghệ, quy mô thị trường của phân khúc giao diện não - máy tính của Trung Quốc được ước tính sẽ tăng trưởng nhanh chóng và hình thành một thị trường trị giá 100 tỷ nhân dân tệ (13,9 tỷ USD)", ông Zhang Yue, Chủ tịch của AoYo International Media có trụ sở ở Bắc Kinh, cho hay.

Hong Yong, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Thương mại điện tử thuộc Viện Thương mại và Hợp tác Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, cho biết: "Việc phát triển giao diện não - máy tính của Trung Quốc là một xu hướng tích cực và có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Mặc dù hiện tại Trung Quốc phụ thuộc vào công nghệ cốt lõi từ nước ngoài, nhưng tình hình này khuyến khích các công ty trong nước tăng cường khả năng nghiên cứu và phát triển, tự khám phá các công nghệ cốt lõi của riêng mình”.

Ông nói thêm: "Với sự hỗ trợ của chính sách, nguồn vốn và nhu cầu thị trường, ngành công nghiệp giao diện não - máy tính dự kiến sẽ đạt được tính tự chủ về công nghệ cốt lõi và tạo ra những thành tựu thương mại trong nhiều lĩnh vực ứng dụng như y tế, phục hồi chức năng, giáo dục, giải trí và kiểm soát thông minh".

Theo ông Wang Peng, một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Bắc Kinh, để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp giao diện não-máy tính, Trung Quốc nên tăng cường nghiên cứu và phát triển (R&D) nội bộ, cải thiện các luật và quy định liên quan, thúc đẩy sự phát triển phối hợp của ngành và tăng cường sự chấp nhận của thị trường.

Trung Quốc đẩy mạnh phát triển công nghệ giao diện não - máy tính- Ảnh 2.

Người đàn ông điều khiển cánh tay bị liệt nhờ công nghệ giao diện não - máy tính. (Ảnh: Reuters)

Trên thế giới hiện nay, nhiều công ty cũng đang phát triển các giao diện não-máy tính tương tự nhằm cải thiện cuộc sống của những người khuyết tật bằng cách cho phép họ điều khiển trực tiếp các chi giả, xe lăn hoặc các thiết bị hỗ trợ khác bằng suy nghĩ của họ.

Một số công ty nghiên cứu sử dụng công nghệ này để phục hồi các chức năng cảm giác hoặc vận động bị mất ở những người bị liệt, mất chi hoặc điều trị các tình trạng thần kinh, cũng như một phương tiện giao tiếp cho những người có tình trạng hạn chế khả năng nói hoặc viết.

Công nghệ này được kỳ vọng sẽ đẩy nền văn minh nhân loại sang giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, việc tạo ra một kết nối trực tiếp giữa não bộ và máy móc cũng mang đến những lo ngại. Chẳng hạn như, giao diện não - máy tính có thể mang đến cho người dùng những lợi thế không công bằng nhờ được tăng cường các khả năng nhận thức và thể chất. Ngoài ra, tin tặc cũng có thể đánh cắp dữ liệu liên quan đến tín hiệu não của một người nào đó.