Quản lý Quỹ bình ổn không ổn
Đến thời điểm ngày 29/9, ngân hàng thu nợ bằng cách tự ý lấy tiền từ
Việc quản lý Quỹ bình ổn giá tại Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà cần được điều tra làm rõ.
Một báo cáo của doanh nghiệp xăng dầu gửi Cục Quản lý giá về thông tin tài khoản Quỹ bình ổn |
Tham khảo một báo cáo về số tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu được doanh nghiệp gửi đến Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), phóng viên nhận thấy rằng các thông tin được liệt kê rất chi tiết bao gồm: Số hiệu tài khoản, tên chủ tài khoản, ngày mở, nơi mở tài khoản, loại tài khoản.
Đặc biệt, tại phần loại tài khoản, doanh nghiệp nêu rõ: Tài khoản thanh toán không kỳ hạn (mục đích: Quỹ bình ổn xăng dầu).
Nếu Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà lập tài khoản chi tiết như tài khoản kể trên, thì không thể có chuyện ngân hàng không biết và "trích nhầm".
Còn nếu mục đích lập tài khoản không được công ty này ghi rõ, gây nhầm lẫn với các tài khoản khác mà công ty này đứng tên, thì công ty này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Giả sử không ghi rõ mục đích lập tài khoản, thì suốt bao năm nay Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà trích lập và chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo “lệnh” của liên Bộ Công Thương - Tài chính vào tài khoản nào? Việc rút tiền ra, đổ tiền vào Quỹ khi có lệnh điều hành của liên Bộ thực hiện ra sao?
Từ năm 2014, Thông tư liên tịch số 39 của liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng đã quy định cụ thể về trách nhiệm của ngân hàng thương mại - nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ.
Theo đó, định kỳ mùng 1 hàng tháng, ngân hàng thương mại - nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản tiền gửi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu - phải gửi sao kê về các giao dịch phát sinh liên quan đến tài khoản tiền gửi Quỹ đến Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá). Trong đó, thể hiện rõ số dư Quỹ đầu kỳ báo cáo; số trích lập Quỹ trong kỳ báo cáo; số sử dụng Quỹ trong kỳ báo cáo...
“Kết thúc năm tài chính, thương nhân đầu mối và ngân hàng thương mại đó có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tình hình trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá... đến liên Bộ Công Thương - Tài chính”, Thông tư 39 nêu.
Báo cáo tài chính hàng quý, hàng năm của doanh nghiệp xăng dầu cũng vẫn có một khoản mục dành cho Quỹ bình ổn giá với các thông tin đủ đầy liên quan đến số dư, số trích lập, số chi...
Cho nên, thật khó tin nếu có ngân hàng nào không phân biệt được đâu là tài khoản dành cho Quỹ bình ổn giá xăng dầu khi Công ty Hải Hà cũng đã hoạt động xăng dầu từ rất nhiều năm nay.
Những quy định như trên thực hiện từ tận năm 2014, và trước đó là các quy định tại Thông tư 234 năm 2009 về Quỹ, lẽ nào các ngân hàng vẫn không biết?!