Ứng dụng mua sắm nào được người Việt dùng nhiều nhất trong năm 2022?

Admin
Báo cáo “Những ứng dụng di động phổ biến với người Việt 2023” (Vietnam mobile app popularity 2023) của Q&Me chỉ ra những ứng dụng mua sắm được người Việt Nam dùng nhiều nhất trong năm 2022.

Báo cáo dựa vào tính năng đo thời gian sử dụng màn hình (screen time) trên hệ điều hành iOS. Khảo sát được tiến hành vào tháng 1/2023, với dữ liệu được phân tích theo lượng người dùng và thời gian sử dụng.

Kết quả khảo sát cho thấy người Việt Nam dành trung bình 6,2 giờ/ngày cho việc sử dụng smartphone, giảm nhẹ so với mức 6,5 giờ/ngày năm ngoái – khi người dùng phải ở nhà nhiều hơn vì Covid-19. Số ứng dụng được dùng trong 1 tuần cũng giảm xuống 20,5 so với con số 25,7 của năm 2022.

Theo báo cáo, trong 1 tuần, trung bình người Việt Nam dùng 2% thời lượng sử dụng smartphone cho việc mua sắm. Theo đó, trong nhóm các ứng dụng mua sắm, Shopee là ứng dụng được người Việt ưa dùng nhất. Đây cũng là ứng dụng được dùng nhiều thứ 6 trong tất cả các ứng dụng.

Báo cáo cho biết, 53% số người được hỏi đã mở ứng dụng Shopee trong 7 ngày qua, cao gấp hơn 3 lần so với ứng dụng đứng thứ hai là Lazada. Trung bình một ngày 1,6% thời lượng sử dụng smartphone được người Việt dùng để truy cập ứng dụng mua sắm online này.

Ứng dụng mua sắm nào được người Việt dùng nhiều nhất trong năm 2022? - Ảnh 1.

5 ứng dụng mua sắm được người Việt dùng nhiều nhất. Nguồn: Q&Me

Ứng dụng thương mại điện tử được dùng nhiều thứ hai và ba là Lazada và Tiki với tỷ lệ người dùng truy cập trong 7 ngày lần lượt đạt 16% và 5%. Tiếp theo là ứng dụng ShopBack với 3% người tham gia khảo sát đã sử dụng app này trong 7 ngày. Shopback là nền tảng hoàn tiền khi mua sắm online, cung cấp giải pháp mua sắm thông minh, tiện lợi cho người tiêu dùng.

Ở vị trí thứ 5 là VinID với tỷ lệ 2% người tham gia khảo sát sử dụng ứng dụng trong một tuần.

Bên cạnh đó, theo Sách trắng Thương mại điện tử năm 2022 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương, Shopee cũng là doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ngoài ra còn có những cái tên như Lazada, Grab, Baemin, Tiki...

Về hàng hóa, dịch vụ được mua, sử dụng nhiều nhất trên website, ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT, báo cáo cho biết, có đến 21,3% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TMĐT cho biết thực phẩm, thực phẩm chức năng, làm đẹp, sức khỏe là những mặt hàng được mua nhiều nhất.

Trong khi đó, 14,5% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TMĐT cho rằng Dịch vụ đào tạo, đào tạo trực tuyến; tư vấn hồ sơ, pháp lý, thuê, tài chính, quản lý,...; môi giới việc làm, tư vấn du học; tư vấn, thiết kê xây dựng, kiến trúc mới là dịch vụ được sử dụng nhiều nhất trên các nền tảng này.

Xét theo nhóm hàng hoá và dịch vụ, khảo sát của Bộ Công thương cho biết, trong năm 2021, nhóm hàng được mua nhiều nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm, với 69% người mua hàng trực tuyến.

Thiết bị đồ dùng gia đình và đồ công nghệ, điện từ là 2 mặt hàng được mua nhiều tiếp theo, với tỷ lệ lần lượt là 64% và 51% người mua sắm online. Sách, văn phòng phẩm, hoa, quà tặng và thực phẩm cũng là những mặt hàng được quan tâm trong năm 2021.