Vì sao cả nước thừa gần nửa triệu tấn đường nhưng giá vẫn tăng?

Admin
(NLĐO) – Trong khi các doanh nghiệp thực phẩm kêu ca về thiếu đường, giá cả tăng, thì Hiệp hội Mía đường Việt Nam lại khẳng định đang thừa cung

Nhà máy ngừng sản xuất vì giá đường tăng?

Trong báo cáo phát hành giữa tháng 10, Hiệp hội Mía đường Việt Nam dự báo từ nay đến cuối năm 2023, cả nước thừa cung 478.854 tấn đường (gần nửa triệu tấn). Dự báo này dựa vào tổng cầu của năm 2023 là 2,3 triệu tấn đường, tương đương năm 2022. Tuy nhiên, năm 2023, nguồn cung ở mức gần 2,779 triệu tấn đường gồm: đường tồn kho năm ngoái chuyển sang và đường sản xuất, nhập khẩu trong năm 2023.

Hiệp hội này cũng nhận định do giá đường quốc tế dự kiến vẫn ở mức cao nên giá đường trong nước sẽ tăng nhẹ nhưng thấp so với giá đường của các quốc gia trồng mía trong khu vực (Indonesia, Philippines và Trung Quốc).

Vì sao cả nước thừa gần nửa triệu tấn đường nhưng giá vẫn tăng? - Ảnh 2.

Giá đường tăng dù nguồn cung dư thừa

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về thông tin này, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam - ông Nguyễn Văn Lộc - giải thích:

Kể từ khi Việt Nam áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại năm 2021, giá mua mía đã được ngành đường Việt Nam liên tục nâng lên, hiện nay đã đến mức 1,1 - 1,3 triệu đồng/tấn mía là mức cao kỷ lục trong những năm gần đây, tương đương so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực khiến giá đường tăng. Trong năm 2023, giá đường thế giới đã tăng 60% so với mức giá thấp nhất được thiết lập vào vụ 2019/2020 dẫn đến giá các loại đường nguồn gốc nhập khẩu tăng và giá đường trong nước cũng tăng theo (nhưng mức tăng thấp hơn). Giá đường trong nước vẫn đang ở mức thấp so với các quốc gia lân cận.

Về việc các nhà máy chế biến thực phẩm tiếp tục kêu ca về việc đường trong nước sản xuất không đủ, hạn ngạch nhập khẩu chưa đáp ứng đủ (về sản lượng và giá cả) nên muốn xin thêm chỉ tiêu nhập khẩu theo hạn ngạch, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng bản chất là đòi hỏi nguồn đường giá rẻ nhờ không phải đóng thuế.

"Việt Nam đã thực hiện cam kết ATIGA năm 2020 và có thể nhập khẩu đường không hạn chế số lượng từ các quốc gia ASEAN. Thị trường đường Việt Nam có nhiều nguồn cung: bao gồm đường sản xuất từ mía, đường nhập khẩu chính ngạch, đường nhập lậu và đường lỏng sirô ngô HFCS. Kể từ năm 2020 đến nay, mặc dù sản lượng đường từ mía thấp nhưng chưa năm nào Việt Nam thiếu đường và luôn ở trong tình trạng thừa cung" - ông Lộc khẳng định.

Theo khảo sát, giá đường bán lẻ cho người tiêu dùng xoay quanh mức 26.000-34.000 đồng/kg (tùy loại) trong khi đường phục vụ sản xuất ở mức từ 22.000-23.000 đồng/kg, cao hơn 2 tháng trước khoảng 2.000 đồng/kg.

Nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm lo lắng giá đường tăng sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản xuất nhiều mặt hàng phục vụ mùa Tết.