Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng đất hiếm, tỉnh nào sở hữu nhiều loại đất quý này nhất?

Admin
Việt Nam có trữ lượng đất hiếm đứng thứ hai thế giới (22 triệu tấn), chỉ sau Trung Quốc.
Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng đất hiếm, tỉnh nào sở hữu nhiều loại đất quý này nhất? - Ảnh 1.

Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. 5 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới gồm có: Trung Quốc (44 triệu tấn), Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn).

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết, đất hiếm gồm 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt. Đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên tố đất hiếm có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang.

Bên cạnh đó, đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang. Việc chế tạo các máy điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính... không thể không dùng đất hiếm.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Khu vực này có những mỏ đất hiếm như Đông Pao, Nam Nậm Xe, Bắc Nậm Xe, Yên Phú đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế. Khu vực Tây Bắc tồn tại rất phong phú các đá magma kiềm, á kiềm giàu các nguyên tố đất hiếm, đây là các điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ đất hiếm.

Các mỏ đất hiếm gốc tập trung ở Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái. Hiện nay, mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Đông Pao, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác theo quy mô công nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh Lai Châu ghi nhận có 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm bao gồm: Mỏ đất hiếm Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường); mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Thèn Thầu (xã Nậm Xevà xã Bản Lang, huyện Phong Thổ).

Ngoài Đông Pao, còn có mỏ đất hiếm ở xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái nhưng trữ lượng ít hơn. Bên cạnh đó, còn có mỏ đất hiếm dạng hấp phụ ion ở xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Hơn nữa, nhiều mỏ đất hiếm được tìm thấy ở Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, Lai Châu được đánh giá là khu vực có trữ lượng đất hiếm lớn và luôn có khát vọng được khai thác tiềm năng đất hiếm này. Chính vì vậy, tỉnh mong muốn việc khai thác tài nguyên đất hiếm đi vào nền nếp; tránh tình trạng khai thác trái phép gây mất ổn định và trái với quy định của pháp luật.

Đã có nhà đầu tư nước ngoài đến khảo sát tài nguyên đất hiếm tại Lai Châu. Cụ thể, vào tháng 9/2022, UBND tỉnh Lai Châu đã buổi làm việc với đoàn chuyên gia Hàn Quốc và Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về việc hợp tác khảo sát, khai thác và chế biến tài nguyên đất hiếm tại tỉnh. Tại buổi làm việc, đoàn chuyên gia Hàn Quốc mong muốn triển khai sớm hoạt động đầu tư các mỏ đất hiếm tại Lai Châu. Phía Hàn Quốc cũng cam kết sẽ mang công nghệ hiện đại đến khai thác tại Lai Châu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dù tiềm năng lớn nhưng mức độ khai thác ở Việt Nam còn rất hạn chế và nhỏ lẻ. Với công nghệ hiện tại, Việt Nam mới chỉ có thể xuất thô đất hiếm chứ chưa phân tách nguyên tố trong đất hiếm hay tiến hành gia công để có được đất hiếm tinh chế.

Ngoài ra, khái thác đất hiếm còn có nguy cơ gây tổn hại cho môi trường bởi trong đất hiếm có các nguyên tố phóng xạ, khá nguy hiểm cho nhân công và môi trường xung quanh.

Chính vì vậy, theo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, để khai thác hiệu quả loại khoáng sản này, đồng thời đảm bảo an toàn môi trường, chất lượng công tác đánh giá tác động môi trường đối với các dự án khai thác cần phải phòng ngừa ô nhiễm ngay từ khi xem xét đầu tư cũng như kiểm soát ô nhiễm sau khi đi vào vận hành.