Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam và nỗi lo thiếu nguyên liệu

Admin
Dù kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng lượng nhập khẩu của cá ngừ Việt Nam sang thị trường chính như EU, Israel, Canada đều ghi nhận sụt giảm.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) mới đây đã thông tin về tình hình xuất khẩu cá ngừ 7 tháng đầu năm.

Theo đó, tháng 7/2024, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng so với cùng kỳ, tăng 14% đạt gần 87 triệu USD. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đang chậm lại rất nhiều so với những tháng trước đó. Lũy kế 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt 558 triệu USD, tăng 22%.

Đáng chú ý, VASEP nhấn mạnh, xuất khẩu sang nhiều thị trường chính giảm trong tháng 7 như EU, Israel, Canada, Mexcico…

Tại khối thị trường EU, xuất khẩu cá ngừ giảm 14% trong tháng 7, đạt 16 triệu USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Italy mặc dù vẫn duy trì được đà tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng giảm mạnh từ mức 3 con số xuống còn 18% trong tháng 7. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ sang Hà Lan và Đức đồng loạt giảm lần lượt là 46% và 19%.

Cùng với EU, xuất khẩu cá ngừ sang Israel, thị trường nhập khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn thứ 2 của Việt Nam, sau nhiều tháng tăng trưởng tốt đã giảm 31% trong tháng 7 này. Theo VASEP, căng thẳng Israel – Iran đang tác động tới hoạt động xuất khẩu sang thị trường này.

Trái với xu hướng xuất khẩu sang 2 thị trường kể trên, xuất khẩu sang Mỹ vẫn tiếp tục tăng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng không cao. 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ tăng 20%, đạt 206 triệu USD.

Ngoài ra, xuất khẩu cá ngừ sang Nga và Hàn Quốc cũng tiếp tục tăng trong tháng 7 với mức tăng lần lượt là 57% và 266%.

Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam và nỗi lo thiếu nguyên liệu- Ảnh 1.

Việc thiếu nguyên liệu trong nước, doanh nghiệp sẽ buộc phải nhập khẩu.

Trong bối cảnh đó, VASEP kiến nghị, hiện ngành cá ngừ Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có nỗi lo đến từ việc thiếu nguyên liệu.

Cụ thể, theo Nghị định 37 đã được Chính phủ ban hành trong tháng 4 vừa qua để hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản. Kèm theo là quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên.

Màu ảm đạm bao trùm lên bức tranh tài chính ngành thủy sản

Theo quy định này, ngư dân bắt buộc phải đầu tư chi phí để thay đổi ngư cụ có kích thước mắt lưới mới, phù hợp, cho đến việc ghi chép nhật ký, kiểm soát kích cỡ của loài mà ngư dân khai thác được.

Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều tàu cá vào cảng không được cấp biên bản bốc dỡ tại cảng do vi phạm về kích cỡ hải sản khai thác. Do đó, đang gây thiếu hụt lớn nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của doanh nghiệp.

VASEP nhận định, việc thiếu nguyên liệu trong nước, doanh nghiệp sẽ buộc phải nhập khẩu. Mà với nguồn nguyên liệu nhập khẩu thì chúng ta khó có thể cạnh tranh được với các nước đang được hưởng ưu đãi thuế quan như Philippines, Ecuador…