30 lô sầu riêng xuất khẩu nhiễm cadimi: Kim loại nặng này từ đâu ra?

Admin
TP - Việc 30 lô sầu riêng vượt dư lượng chất cadimi vừa bị Trung Quốc phát hiện là hồi chuông cảnh báo đối với hoạt động kiểm soát chất lượng mặt hàng tỷ USD của Việt Nam. Nguyên nhân cụ thể vẫn đang được cơ quan chức năng xác minh nhưng trước đó, trên thị trường phân bón đã xôn xao câu chuyện thiếu kiểm soát chất này.

Theo thông tin từ Vụ Kiểm dịch Động - Thực vật (Tổng cục Hải quan Trung Quốc), 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vừa bị phát hiện nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của quốc gia này.

Theo tìm hiểu của PV, trong tháng 5 và 6/2023, phía Trung Quốc đã phát hiện và cảnh báo 6 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu có nhiễm cadimi vượt ngưỡng quy định. Bốn tháng sau đó, Trung Quốc phát hiện tiếp 1 lô hàng vi phạm. Đáng chú ý từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, các vi phạm có xu hướng gia tăng khi Trung Quốc liên tục phát hiện, cảnh báo 23 lô hàng sầu riêng Việt Nam bị nhiễm cadimi vượt ngưỡng quy định.

Trong số những lô hàng bị cảnh báo, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu T.V. (Lạng Sơn) và Công ty TNHH quốc tế H.A. (Hà Nội) vi phạm nhiều nhất, mỗi doanh nghiệp có 4 lô bị cảnh báo. Tiếp đến là Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu nông sản T.P. (Lạng Sơn) có 3 lô vi phạm. 15 công ty khác phải nhận 1 - 2 cảnh báo.

30 lô sầu riêng xuất khẩu nhiễm cadimi: Kim loại nặng này từ đâu ra? ảnh 1

Sầu riêng bị phát hiện tồn dư chất cadimi là hồi chuông cảnh báo việc kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho rằng, việc sầu riêng bị cảnh báo vượt dư lượng chất cadimi là vấn đề nghiêm trọng, cần xem xét và điều tra nguyên nhân kỹ lưỡng. Trước đây DN chỉ cho rằng, phía Trung Quốc kiểm tra ở bên ngoài sản phẩm, như mẫu mã hay sâu rệp…. Qua câu chuyện này cho thấy, Trung Quốc đã bắt đầu kiểm soát chặt hơn vấn đề chất lượng sản phẩm.

“Cơ quan chức năng cần tiến hành điều tra kỹ nguyên nhân. Các DN cần kiểm soát chặt chất lượng, trước khi xuất khẩu, trong đó cần thiết có thể kiểm nghiệm đạt chuẩn trước rồi mới tiến hành thu mua, tránh ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng Việt Nam” - ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam.

Theo ông Nguyên, thực chất Trung Quốc đã kiểm nghiệm chất lượng sầu riêng Thái Lan từ lâu. Còn Việt Nam sau một năm xuất khẩu tăng mạnh, nay phía bạn dần siết chặt hơn do đây là mặt hàng có giá trị cao nên họ yêu cầu phải đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ông Nguyên cũng bày tỏ ngạc nhiên khi đến tận thời điểm này, cơ quan chức năng mới phát cảnh báo điều tra. “Khi phát hiện một hoặc hai lô vượt dư lượng, các đơn vị cần phải rà soát và làm quyết liệt ngay từ đầu để cảnh báo tới người dân và DN, ngăn tình trạng vi phạm tái diễn. Nhưng đến tận 30 lô nhiễm mới thông báo, cứ cho mỗi lô sầu riêng là 1 container khoảng 20 tấn, số lượng hàng bị cảnh báo thu hồi đã có trị giá đến hơn 3 triệu USD”, ông Nguyên nói.

Chất cadimi trong sầu riêng có từ đâu?

Ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam - cho rằng, cadimi là kim loại nặng, không tự hòa tan được trong môi trường đất. Nếu sản phẩm chứa nhiều cadimi khi bón vào trong đất sẽ không được hoà tan và gây tồn dư trong đất, tác động đến dinh dưỡng cây trồng.

Về bản chất, theo ông Ngọc, cadimi là chất độc nhưng vẫn được sử dụng theo ngưỡng nhất định theo quy định của các nước. Đồng thời đây là chất có sẵn ở trong đất, nước và môi trường nên khi sản xuất, người dân cần hết sức chú ý.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Vũ Duy Hải - Tổng Giám đốc Công ty CP Vinacam - cho biết, vào tháng 4/2023, các DN nhập khẩu phân bón của Việt Nam nhận được thông báo của nhà sản xuất Namhae (Hàn Quốc) về việc không thể đảm bảo hàm lượng cadimi tối đa 12mg/kg trong phân bón DAP theo quy định của Việt Nam.

Thời điểm đó, Vinacam cũng là đơn vị được phép nhập khẩu mặt hàng này nhưng do sản phẩm vượt dư lượng 28mg/kg nên DN không đồng ý và đã chủ động dừng nhập khẩu.

“Chúng tôi cũng đã có văn bản gửi trực tiếp lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đề nghị giám sát chặt chẽ, tránh dư lượng camidi tồn dư trong nông sản, đặc biệt là hoa quả xuất khẩu, vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Nhưng sau đó vẫn có hàng nghìn tấn DAP Hàn Quốc vẫn được đưa vào thị trường Việt Nam tiêu thụ”, ông Hải nói.

Đáng chú ý, sau khi nhận được phản ánh, Cục Bảo vệ thực vật đã cử đoàn kiểm tra kết hợp quản lý thị trường địa phương đi lấy mẫu DAP Hàn Quốc tại các đại lý ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, đến nay cục này chưa công bố công khai kết quả kiểm tra mẫu thực tế của đợt kiểm tra này.

“Việc sầu riêng vượt dư lượng cadimi, chúng tôi rất bàng hoàng vì nghĩ ngay đến những cảnh báo trước đó. Dù chưa thể khẳng định nguồn phân DAP Hàn Quốc là nguyên nhân gây nên việc Trung Quốc cảnh báo sầu riêng nhưng điều này đặt ra nhiều câu hỏi về quản lý của Bộ NN&PTNT”, ông Hải cho hay

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Huỳnh Tất Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - cho biết, việc Trung Quốc thông báo các lô sầu riêng vượt dư lượng cadimi là hoạt động trao đổi thường xuyên, rất bình thường. Bản chất nếu sản phẩm không tuân thủ quy định họ sẽ cảnh báo với mình.