6 điều có thể bạn chưa biết về ChatGPT: Suýt không được ra mắt, khiến Bill Gates cũng phải đích thân “đi họp”

Admin
Sau 2 tháng ra mắt, chatbot ChatGPT đã có 100 triệu người dùng, điều mà TikTok phải mất 9 tháng để làm được. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến chuyện chatbot này suýt không được ra mắt vì 'không hữu dụng'.

Tỷ phú Bill Gates, đồng sáng lập Microsoft, chia sẻ với Forbes rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là chủ đề “hot” và gây tranh cãi nhiều nhất trong năm 2023. Nhiều chuyên gia cho rằng, sau hàng chục năm nghiên cứu và phát triển, cuối cùng thời khắc của AI đã đến.

Theo ước tính của Forbes, trong chưa đầy 60 ngày kể từ khi ra mắt, ChatGPT đã có hơn 5 triệu người dùng. Chatbot này được sử dụng rộng rãi để viết code, viết bài rao bán bất động sản, content, viết báo, làm bài tập… Thậm chí, ChatGPT đủ thông minh để để đạt điểm “B” trong kỳ thi cuối kỳ tại Wharton. Nhiều chuyên gia cho rằng, dù muốn hay không nhưng chắc chắn trong thời gian tới, AI sẽ thay đổi cách mọi người làm việc.

Dưới đây là những điều mà chưa chắc người dùng đã biết đến về chatbot siêu AI ChatGPT.

Các nhà sáng lập Big Tech quay lại “trận chiến”

Cùng với sự bùng nổ của ChatGPT, tỷ phú Bill Gates cho biết, ông rất hào hứng với AI và hiện đang dành 10% thời gian của mình để tham dự cuộc họp của Microsoft với các nhóm sản phẩm. Không chỉ Bill Gates, theo New York Times, CEO Sundar Pichai đã mời các mời các nhà đồng sáng lập Google vốn đã "ở ẩn" quay lại để phê duyệt kế hoạch và “đưa ra lời khuyên” về việc tích hợp chatbot vào công cụ tìm kiếm, đặt AI làm trọng tâm trong kế hoạch phát triển.

Nguồn tin của Forbes cho biết, nhà sáng lập Google Sergey Brin lần đầu tiên gửi yêu cầu truy cập vào phần code của chatbot LaMDA sau nhiều năm rút lui khỏi hoạt động của công ty.

ChatGPT suýt không được ra mắt

Mặc dù rất phổ biến trong thời gian gần đây nhưng ChatGPT lại không gây ấn tượng với các nhân viên của OpenAI. “Không ai trong chúng tôi say mê nó. Thậm chí, chúng tôi không cho rằng chatbot này thực sự hữu ích với mọi người”, Greg Brockman, đồng sáng lập và Chủ tịch của OpenAI chia sẻ.

OpenAI đã quyết định tạm dừng chatbot này để tập trung vào các công cụ, sản phẩm thay thế khác. Tuy nhiên, tháng 11/2022, các giải pháp thay thế này thử nghiệm không thành công cùng với việc các công cụ AI như Stable Diffusion bùng nổ, OpenAI quyết định cho ra mắt ChatGPT.

ChatGPT khiến sản phẩm thông minh hơn phải trì hoãn phát triển

Sự phổ biến của ChatGPT là một “con dao 2 lưỡi” đối với nội bộ của công ty phát triển. Khi vừa ra mắt được 5 ngày, chatbot này đã có hơn 1 triệu người dùng và điều này đã làm các máy chủ bị quá tải. Đặc biệt, trong đợt cao điểm của kỳ nghỉ lễ, các nhân viên buộc phải chuyển thuật toán đào tạo sang siêu máy tính vốn dùng để sử dụng cho các mô hình mới như GPT-4.

Hiện ChatGPT sử dụng công nghệ ngôn ngữ GPT-3.5, một mô hình trí tuệ nhân tạo do chính OpenAI tạo ra và được đào tạo trên một lượng lớn dữ liệu văn bản từ nhiều nguồn khác nhau.

Vì vậy, việc phát triển và ra mắt mô hình GPT-4 mới bị trì hoãn. Tỷ phú Reid Hoffman, người cũng đầu tư vào OpenAI, tiết lộ rằng mô hình này cao cấp hơn ChatGPT vì nó đã có thêm sự hài hước.

Tỷ phú kiếm được 4,6 tỷ USD nhờ ChatGPT

Bloomberg cho biết, sự phổ biến nhanh chóng của ChatGPT đã góp phần không nhỏ giúp tài sản của tỷ phú Jensen Huang, đồng sáng lập và CEO của Nvidia, tăng lên 18,4 tỷ USD, tăng 33% trong năm nay.

Ông Christopher Rolland, nhà phân tích cấp cao của Susquehanna Investment Group, chia sẻ: “ChatGPT đã khởi đầu một cuộc chạy đua công nghệ mà trong đó, NVIDIA là người dẫn đầu”.

Theo Citigroup, sự phát triển của ChatGPT có thể mang lại khoản doanh thu 3- 11 tỷ USD cho NVIDIA trong 12 tháng, bất chấp những khó khăn trong mô hình tăng trưởng của dịch vụ non trẻ này. Hiện máy chủ Microsoft sử dụng GPU Nvidia A100 80GB cho việc xử lý ngôn ngữ trên GPT-3.

Nguy cơ thành công cụ rửa tiền

Để có thể vận hành những công cụ AI này, cần phải có cơ sở hạ tầng máy tính đồ sộ. Chi phí vận hành cũng đắt đỏ. Theo Forbes, trong cam kết đầu tư 10 tỷ USD của Microsoft vào OpenAI, phần lớn trong số đó dự kiến sẽ được chi cho chi phí điện toán liên quan đến dịch vụ đám mây Azure của Microsoft.

Tom Goldstein, phó giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Maryland, ước tính OpenAI có thể đã phải tiêu tốn ít nhất 100.000 USD mỗi ngày để vận hành siêu AI, tương đương với khoảng 3 triệu USD/tháng.

Clem Delangue, CEO của Hugging Face, công ty tổ chức các mô hình AI như Stable Diffusion, chia sẻ: “Có thể sẽ có sự thiếu minh bạch vì chúng tôi không theo dõi được chi tiết chi phí cơ sở hạ tầng đám mây phục vụ cho máy học (machine learning)”. Chi phí này dường như ngày càng tăng không có kiểm soát. Delangue đã đặt ra thuật ngữ riêng cho hiện tượng này là “rửa tiền trên nền tảng đám mây”.

“Hồi kết” của AI?

“Trí tuệ nhân tạo tổng quát” hay AGI, là thuật ngữ chỉ một AI có thể hiểu và học hỏi mọi nhiệm vụ tư duy của con người. Đây cũng chính là điều mà tỷ phú Elon Musk lo ngại khi còn hỗ trợ tài chính cho OpenAI. Sam Altman tin rằng con người có thể sẽ không nhận ra khi AGI xuất hiện.

Theo Forbes, vì vậy OpenAI có 2 định nghĩa bất thường về kỳ lân khởi nghiệp. Một là cơ chế lợi nhuận giới hạn sau khi trả lại một khoản lợi nhuận nhất định cho các cổ đông và quay lại trở thành một tổ chức phi lợi nhuận. Và thứ hai là nếu một đối thủ nào đó có AGI, OpenAI sẽ ngừng lại hoạt động và chuyển sang một dự án khác thành công hơn.

CEO Altman cũng cho rằng khi một AGI xuất hiện, nó có thể thay đổi chủ nghĩa tư bản theo chiều hướng tốt hơn.

Tham khảo: Fortune, Forbes, Bloomberg