Vẫn phải xếp hàng chờ mua vàng trong ngày vía Thần Tài nhưng năm nay, do kinh tế khó khăn, nhiều người dân chỉ mua từ một đến vài chỉ vàng lấy may. Từ sáng sớm 19/2, hàng trăm người kéo đến các cửa hàng vàng lớn trên phố Trần Nhân Tông, Cầu Giấy chờ cửa hàng mở cửa. Tuy nhiên, năm nay không còn cảnh người dân chen lấn đợi nhiều giờ mới đến lượt mua vàng như nhiều năm trước. Không ít cửa hàng kinh doanh vàng tại Hà Nội cũng sắp sẵn ghế cho khách ngồi.
Đến giờ cao điểm, 10 giờ sáng, người dân cũng chỉ mất tầm 30 phút đợi đến lượt tại tiệm vàng đông người nhất trên phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Thậm chí, giờ nghỉ trưa, người dân có thể vào mua vàng ngay không phải chờ đợi.
Vẫn tái diễn cảnh xếp hàng mua vàng ngày vía Thần tài sáng 19/2. Ảnh: Duy Phạm |
Chị Nguyễn Tú (Long Biên, Hà Nội) chờ ghi số, xếp hàng để mua 2 chỉ vàng cho hay: “Năm ngoái tôi mua 1 chỉ vàng ngày vía Thần tài. Giữ đến năm nay, lãi hơn 1 triệu đồng/chỉ. Tôi thấy may mắn nên năm nay mua 2 chỉ. Giá cao nhưng mua ít nên tôi không bận tâm”.
Chốt phiên giao dịch sáng 19/2, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào - bán ra ở mức 74,5 - 77,52 triệu đồng/lượng, giảm 900.000 đồng/lượng cả hai chiều so với đầu giờ sáng. Sang phiên giao dịch buổi chiều cùng ngày, giá vàng SJC điều chỉnh tăng lên mức 75 - 78 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Anh Nguyễn Long (Hoàng Mai, Hà Nội) chọn giờ nghỉ trưa để đi mua vàng trên phố Trần Nhân Tông chia sẻ: “Giờ nghỉ trưa rất vắng khách, tôi mua 9 chỉ vàng cũng không quan tâm giá tăng hay giảm vì mua tiết kiệm cho con”.
Bên cạnh số lượng người mua lớn, không ít người chọn mang vàng đi bán để chốt lời. Vừa xếp từng cọc tiền vào ba lô, anh Nguyễn Minh (ở Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi vừa bán 13 lượng vàng nhẫn tròn trơn, thu về hơn 1 tỷ đồng. Giá năm nay không đột biến nên mức lãi không nhiều. Cuối năm 2023, tôi mua vào, giá chỉ hơn 60 triệu đồng/lượng nay bán ra cũng không được lãi nhiều”.
Một số công ty kinh doanh vàng cũng thừa nhận sức mua có giảm so với mọi năm do kinh tế khó khăn và giá vàng cao. Có công ty ước tính sức mua giảm khoảng 30-40% so với những năm trước và cũng đã chuẩn bị nguồn hàng ít hơn. Đại diện Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cho biết, sức mua vàng ngày vía Thần tài năm nay không bằng năm ngoái, do người dân đã mua từ sớm.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng, hiện tại, vàng không còn hấp dẫn với nhà đầu tư lớn là các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Người mua vàng chỉ là nhà đầu tư nhỏ lẻ và người dân mua để tiết kiệm. Sức mua trong năm yếu và các tiệm vàng chỉ trông vào ngày vía Thần tài để bán vàng ra.
Theo ông Hùng, dù sức mua yếu nhưng hệ thống nhiều cửa hàng trên khắp cả nước đều ghi nhận lượng vàng bán ra lớn trong ngày và vàng nhẫn được tiêu thụ nhiều nhất. “Hiện, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch lớn nên mua vàng đầu tư vẫn là kênh gặp nhiều rủi ro. Năm nay khó khăn nên người dân chỉ mua một chỉ, thậm chí nửa chỉ để lấy may”, ông Hùng nói.
TPHCM: dân thong thả sắm vàng
Ngày 19/2 (mồng 10 tháng Giêng), người dân TPHCM mới bắt đầu đến tiệm vàng tham khảo, mua sắm vàng ngày Thần Tài. Tại cửa hàng PNJ trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), nhân viên chờ ở cửa sẵn sàng tư vấn cho khách. Chọn ngay 2 miếng vàng tài lộc loại 0,5 chỉ trị giá gần 6,5 triệu đồng, chị Hân Nguyễn (35 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho biết: “Năm nay không phải xếp hàng, chờ đợi để mua được miếng vàng như ý. Dù biết trong ngày này vàng có giá cao hơn nhưng tôi không quan tâm nhiều đến điều đó bởi mua vàng chủ yếu cầu may mắn”.
Tiệm vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh) cũng bắt đầu nhộn nhịp hơn trong buổi trưa. Trong đó, quầy vàng trang sức có lượng khách giao dịch đông nhất.
Trong khi đó, nhiều tiệm vàng trên phố vàng bạc quận 5, khu kinh doanh vàng ở chợ Thiếc (quận 11) cũng lác đác khách vào xem giá, mua vài ba phân vàng chứ không mua nhiều như trước.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, do nền kinh tế hiện nay đang khó khăn, sức mua và khả năng thanh toán của người dân hạn chế nên lượng khách đến mua vàng trong ngày Thần Tài giảm hơn mọi năm. Chuyên gia độc lập về vàng Phan Dũng Khánh cho rằng, mọi người không nên có tâm lý tích trữ nhiều vàng vào ngày này mà chỉ nên mua một ít với quan niệm để lấy may mắn.
Càng mua càng thiệt
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trào lưu mua vàng ngày vía Thần tài xuất hiện khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Ngày vía Thần tài xuất phát từ văn hóa Trung Quốc nhưng ngay cả ở đất nước này cũng không có tập quán mua vàng cầu may. Khi kinh tế khá giả, các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng đưa ra thông điệp kêu gọi người dân mua vàng cầu may mắn đầu năm, đẩy giá vàng tăng rất cao, gây xáo trộn thị trường.
“Mua bán lấy may chỉ cần số lượng ít đã may mắn. Nếu lao vào mua vàng sẽ gặp cảnh mua giá cao, bán giá thấp, chỉ làm lợi cho doanh nghiệp, còn người mua chịu thiệt ngay trong ngày vía Thần tài do chênh lệch giá vàng mua vào - bán ra tăng cao. Người dân đừng quá tin truyền thông của doanh nghiệp vàng để tạo xu hướng và hưởng lợi”, ông Thịnh khuyến nghị.
Theo ông Thịnh, chênh lệch giá mua vào - bán ra cao doanh nghiệp vàng lãi đơn, lãi kép.
Theo chuyên gia văn hóa Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội), những năm gần đây, ngày vía Thần tài, người dân xếp hàng mua vàng liên quan tới niềm tin vía cầu may, tương tự một số nghi thức khác như không quét rác trong ngày Tết, lì xì năm mới, cúng lễ ở chùa.
Ông Nam cho rằng, hình thức cầu may ngày càng nhiều bởi chúng ta đang giai đoạn khó khăn. Lúc này, người dân muốn có thêm điểm tựa tinh thần, có động lực phấn đấu nên yếu tố liên quan may mắn, tiền bạc thu hút nhiều người tham gia. Tuy nhiên, hành động này có hệ lụy xấu nhất định.