Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Nói thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao nhưng không phải, mà do lương thấp"

Admin
Tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói: "Nếu công việc được trả lương cao thì sẽ không có việc thiếu nguồn nhân lực ngay tại bây giờ".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng:

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn bao gồm nhân lực cho đầy đủ các công đoạn cho ngành công nghiệp này chứ không chỉ riêng công đoạn chip bán dẫn.

Việc chuẩn bị nhân lực nên dựa trên dự báo tầm nhìn dài hạn nhưng vẫn phải dựa trên nhu cầu thị trường; việc ký kết các cam kết về nhu cầu nhân lực giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước, tức là tạo đầu ra thì sẽ bảo đảm cho Đề án thành công.

Về quốc gia, theo Bộ trưởng, Chính phủ cũng nên xem xét, ký kết các hợp tác quốc gia về cung ứng nhân lực bán dẫn với một số quốc gia đang thiếu hụt nhân lực bán dẫn trầm trọng.

Để bảo đảm Đề án thành công, phải tạo được đầu ra, bảo đảm đầu ra để bảo đảm cho thành công của Đề án, cho nên Ban Soạn thảo Đề án nhân lực bán dẫn nên đầu tư nhiều hơn cho bảo đảm đầu ra cho Đề án; khi bảo đảm đầu ra cho Đề án cần chú ý đến thu nhập của lĩnh vực này, đến việc ngành công nghiệp bán dẫn tập trung vào chất lượng, như lương của nhân lực công nghiệp bán dẫn phải cao hơn lương công nghệ thông tin, nếu không sẽ không thu hút được.

"Nhiều khi mình nói thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao nhưng không phải, mà do lương thấp. Nếu công việc được trả lương cao thì sẽ không có việc thiếu nguồn nhân lực ngay tại bây giờ" - Bộ trưởng nói. "Nếu chúng ta trả lương cho kỹ sư công nghệ thông tin 10 triệu thì không có nhân lực, 20 triệu thì sẽ có ít nhân lực, 30 triệu có nguồn nhân lực, 40 triệu thì tốt hơn và 50 triệu thì bắt đầu thừa. Do đó chúng ta nói chuyện thiếu nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn nói chung nhưng phải ở các công đoạn và ở mức độ nào".

Thứ ba, Bộ trưởng cho rằng, thiếu nguồn nhân lực bán dẫn có tính ngắn hạn, cho nên ngoài việc đào tạo nghiên cứu dài hạn, thậm chí đào tạo tiến sĩ thì vẫn phải chú trọng trong ngắn hạn là đào tạo nhanh và cách tốt nhất là đào tạo lại hoặc đào tạo chuyển tiếp các kỹ sư công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, kỹ sự điện tử… Chúng ta đang có khoảng 600.000 đến 700.000 kỹ sư ngành này, đào tạo 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng,… là có thể sẵn sàng cho công nghiệp bán dẫn.

Để làm được điều này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, cần giáo viên, người hướng dẫn, cơ sở vật chất và lời giải ở đây là sự hợp tác giữa doanh nghiệp và đại học, sự đầu tư cơ sở vật chất của Nhà nước và các cơ sở đào tạo. Việc đào tạo thu hút giáo viên bán dẫn nước ngoài lúc này là ưu tiên nhất. Nhà nước đầu tư vào cơ sở vật chất cho công nghiệp bán dẫn cần đầu tư tập trung tại một chỗ và các cơ sở đào tạo sẽ dùng chung.

Thứ tư, ngành công nghiệp bán dẫn là đầu vào của ngành công nghiệp điện tử, chiến lược công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đã đặt công nghiệp bán dẫn trong một bức tranh lớn hơn là công nghiệp điện tử; chưa có quốc gia nào "hóa rồng", "hóa hổ" mà không có ngành công nghiệp điện tử. 

"Các quốc gia lớn ngành công nghiệp bán dẫn ở khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đều có nền công nghiệp điện tử phát triển. Vì vậy, công nghiệp bán dẫn Việt Nam phải đi song hành với công nghiệp điện tử, nhân lực bán dẫn cũng phải đi song hành với nhân lực công nghiệp điện tử" - Bộ trưởng Thông tin Truyền thông kết luận.