Cảng cạn có diện tích lớn nhất Việt Nam

Admin
Theo Bộ Giao thông Vận tải, Việt Nam hiện có 11 cảng cạn.

Cụ thể, theo Quyết định số 506, công bố Danh mục 11 cảng cạn Việt Nam gồm có: Cảng cạn (ICD) Hải Linh (Phú Thọ); Cảng cạn Km 3+4 Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; Cảng cạn Tân Cảng Hải Phòng; Cảng cạn Đình Vũ - Quảng Bình; Cảng cạn Hoàng Thành; Cảng cạn Long Biên; Cảng cạn Tân Cảng Hà Nam; Cảng cạn Phúc Lộc - Ninh Bình; Cảng cạn Tân Cảng Nhơn Trạch; Cảng cạn Tân Cảng Quế Võ và cảng cạn Tân Cảng Long Bình giai đoạn 1.

Đầu năm 2023, Bộ GTVT đã ban hành quyết định công bố mở cảng cạn Tân Cảng Long Bình giai đoạn 1 tại phường Long Bình, Biên Hòa, Đồng Nai. Cảng cạn Tân Cảng Long Bình có diện tích giai đoạn 1 là 24,8ha

Hiện nay, cảng cạn Tân Cảng Long Bình có hệ thống kho hàng rộng lớn nhất tại Việt Nam với diện tích khai thác 105ha, gồm 30 kho hàng, tổng diện tích gần 500.000m2 được xây dựng theo tiêu chuẩn cao.

Cảng cạn Tân Cảng Long Bình được xây dựng để thực hiện nhiều chức năng khác nhau như kho ngoại quan, kho nội địa, kho CFS (kho chuyên dùng để lưu trữ hàng lẻ xuất nhập khẩu), kho phân phối, kho mát, kho lạnh, kho hóa chất nguy hiểm và các loại kho được thiết kế riêng biệt theo nhu cầu của khách hàng.

Năm 2022, Đồng Nai đạt kim ngạch xuất nhập khẩu trên 43,54 tỷ USD, chiếm gần 7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Chính vì vậy, việc phát triển hệ thống kho bãi, cảng và hoạt động phục vụ xuất nhập khẩu, phục vụ các doanh nghiệp sẽ tạo đà phát triển kinh tế cho Đồng Nai.

Do đó, việc mở Cảng cạn Tân Cảng Long Bình tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp, phát triển kinh tế của Đồng Nai.

Trên thực tế, Đồng Nai có nhiều thuận lợi về tiềm năng phát triển logistics trong giao thương hàng hải quốc tế. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, Đồng Nai liền kề TP.HCM, nằm giữa 4 vùng kinh tế trọng điểm và mạng lưới hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện. Theo đó, Đồng Nai nối liền Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên, toàn bộ đồng bằng Sông Cửu Long và là cửa ngõ trọng yếu phía đông của TP.HCM.

Hiện nay, tỉnh Đồng Nai sở hữu hệ thống hạ tầng cơ sở toàn diện, từ mạng lưới giao thông quốc gia đến hệ thống đường kết nối liên tỉnh, liên huyện. Các công trình hạ tầng hiện hữu, những hệ thống giao thông liên kết kinh tế chính của địa phương gồm có: quốc lộ 1A, quốc lộ 20, quốc lộ 51, tuyến đường sắt Bắc Nam, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Về đường sắt, tỉnh Đồng Nai hiện chiếm hơn 5% tổng chiều dài đường sắt Việt Nam, với 8 nhà ga đường sắt để vận tải hàng hóa và con người. Đặc biệt, theo dự kiến, dự án sân bay quốc tế Long Thành với năng suất phục vụ 100 triệu khách/năm, luân chuyển hàng hóa hơn 5 triệu tấn/năm.

Hơn nữa, Đồng Nai là trung tâm giao thông vùng nên giảm được nhiều chi phí vận chuyển hàng hóa ra cảng, các tỉnh, thành khác.

Do đó, theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, những tiềm năng về logistics trên góp phần giúp Đồng Nai trở thành trung tâm logistics, công nghiệp và dịch vụ hàng đầu Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Bên cạnh đó, Đồng Nai còn có tiềm năng lớn trong phát triển các KCN. UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh hiện có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trong phát triển KCN khi sở hữu quỹ đất lớn. Trên thực tế, Đồng Nai là tỉnh đang có số KCN đang hoạt động nhiều nhất cả nước, 31 KCN.

Theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, ba KCN được Đồng Nai quy hoạch mở rộng là khu công nghiệp Long Khánh (Thống Nhất), khu công nghiệp Dầu Giây và khu công nghiệp Tân Phú (Tân Phú) với diện tích mở rộng là 745 ha.

Tổng diện tích các khu công nghiệp đầu tư mới là hơn 4.300 ha gồm khu công nghiệp Hàng Gòn (TP Long Khánh), khu công nghiệp đô thị dịch vụ Xuân Quế (Cẩm Mỹ), khu công nghiệp dịch vụ cảng Phước An (Nhơn Trạch); Bàu Xéo 2 (Trảng Bom).