Cảnh báo mã độc trojan Redline Stealer ảnh hưởng trên các hệ thống thông tin

Admin
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, ghi nhận thông tin liên quan đến mã độc trojan Redline Stealer được sử dụng để tấn công vào hệ thống thông tin của nhiều cơ quan, tổ chức.

Ngày 24/4, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản về việc cảnh báo phát hiện mã độc trojan Redline Stealer gây ảnh hưởng trên các hệ thống thông tin gửi các đơn vị chuyên trách về CNTT/ATTT các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; Các Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet và nền tảng số; Các Tổ chức tài chính, Ngân hàng thương mại; Hệ thống các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin.

Cảnh báo mã độc trojan Redline Stealer ảnh hưởng trên các hệ thống thông tin- Ảnh 1.

Theo Cục An toàn thông tin, một biến thể mới của mã độc trojan Redline Stealer đã được phát hiện trên không gian mạng, mã độc này triển khai các bytecode Lua để thực hiện các hành vi độc hại. Dữ liệu cho thấy mã độc đang rất phổ biến khi nó lây nhiễm trải dài Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Châu Âu, Châu Á và Úc. Để đảm bảo an toàn cho hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức cần thực hiện kiểm tra, rà soát và chuẩn bị các phương án xử lý kịp thời khi phát hiện có dấu hiệu bị tấn công.

RedLine Stealer là mã độc xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng tháng 3 năm 2020, mã độc này có khả năng trích xuất thông tin đăng nhập từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm trình duyệt web, ứng dụng FTP, email, Steam, ứng dụng nhắn tin và VPN.

Nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thông tin của các đơn vị, góp phần bảo đảm an toàn cho không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin khuyến nghị:

Thứ nhất, kiểm tra, rà soát hệ thống thông tin đang sử dụng có khả năng bị ảnh hưởng bởi mã độc trên. Chủ động theo dõi các thông tin liên quan đến mã độc từ hãng nhằm thực hiện nâng cấp lên phiên bản mới nhất để tránh nguy cơ bị tấn công.

Thứ hai, tăng cường giám sát và sẵn sàng phương án xử lý khi phát hiện có dấu hiệu bị khai thác, tấn công mạng; đồng thời thường xuyên theo dõi kênh cảnh báo của các cơ quan chức năng và các tổ chức lớn về an toàn thông tin để phát hiện kịp thời các nguy cơ tấn công mạng.

Nhằm bảo đảm an toàn thông tin mạng, duy trì hoạt động ổn định các hệ thống thông tin trong thời gian diễn ra những ngày lễ lớn như Kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, Ngày Quốc tế lao động 01/5 và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng vừa có công văn đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tăng cường triển khai công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý.

Tăng cường triển khai hoạt động bảo đảm an toàn thông tin mạng

Củng cố và ưu tiên nguồn lực, nhân lực cho nhiệm vụ ứng trực, giám sát 24/7; chủ động theo dõi thường xuyên, liên tục các hệ thống giám sát an toàn thông tin tập trung, hệ thống phòng, chống mã độc tập trung đảm bảo phát hiện, xử lý, khắc phục kịp thời tấn công mạng, cảnh báo mã độc được xác minh; Kiểm tra, cập nhật đầy đủ các bản vá an toàn thông tin cho hệ thống thông tin theo cảnh báo của Cục An toàn thông tin và các cơ quan, tổ chức liên quan;

Rà soát, kiểm tra, đánh giá, khắc phục các lỗ hổng bảo mật; săn lùng mối nguy hại và bóc gỡ phần mềm độc hại cho toàn bộ máy chủ, máy trạm trong hệ thống mạng (ưu tiên các hệ thống thông tin có địa chỉ IP nằm trong Danh sách IP mạng Botnet được Cục An toàn thông tin cảnh báo hàng tháng hoặc đột xuất, văn bản gửi kèm theo); thường trực theo dõi, tiếp nhận và xử lý các cảnh báo an toàn thông tin qua Nền tảng Điều phối xử lý sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia (IRlab.vn) do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp.

Sẵn sàng triển khai kế hoạch ứng phó, xử lý sự cố tấn công mạng và nhanh chóng khôi phục hoạt động bình thường của hệ thống thông tin trong trường hợp xảy ra sự cố.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet; các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp hạ tầng số, nền tảng số

Tăng cường nguồn nhân lực, phân công nhân lực trực giám sát, hỗ trợ và khắc phục sự cố bảo đảm hạ tầng viễn thông, Internet an toàn, thông suốt.

Rà soát, triển khai đầy đủ các biện pháp bảo vệ, bảo đảm phát hiện sớm và kịp thời ngăn chặn hoạt động tấn công mạng, phát tán thông tin xấu độc, thông tin vi phạm pháp luật trên hệ thống thông tin, hạ tầng mạng lưới, nền tảng số thuộc phạm vi quản lý.

Tăng cường theo dõi, cập nhật, xử lý các phản ánh, khiếu nại của người dùng về tin nhắn rác, cuộc gọi rác, đặc biệt là tin nhắn lừa đảo, cuộc gọi lừa đảo qua hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác do Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) chia sẻ; Xử lý quyết liệt, triệt để các trường hợp phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo mà người dùng phản ánh.

Thực hiện nghiêm và kịp thời các biện pháp xử lý theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) và cơ quan chức năng có thẩm quyền.