Chuyên gia AI hàng đầu thế giới đang làm việc tại Meta nói gì khi ChatGPT tạo cơn sốt: Không hề đột phá hay mới mẻ, chỉ tận dụng nền tảng do bên khác phát triển

Admin
"OpenAI hoàn toàn không có sự vượt trội so với các phòng nghiên cứu khác" theo nhận định của Yann LeCun - chuyên gia hàng đầu thế giới về AI, hiện đang làm việc tại Meta.

Được phát triển bởi OpenAI - công ty nghiên cứu phát triển phần mềm có trụ sở tại San Francisco, chatbot AI mang tên ChatGPT đã tạo ra một cơn sốt mới trong làng công nghệ thế giới khi ra mắt vào tháng 11/2022. Với khả năng trả lời trôi chảy và hết sức tự nhiên mọi câu hỏi trong nhiều lĩnh vực mà người dùng đặt ra, ChatGPT lập tức được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới.

Năm ngày sau khi ChatGPT được ra mắt dưới dạng miễn phí, chatbot này đã vượt mốc 1 triệu người dùng. Ở thời điểm hiện tại, website của ChatGPT liên tục gặp lỗi kết nối do lượng người truy cập và sử dụng quá lớn. Bản thân dư luận và truyền thông cũng phản hồi rất tích cực với ChatGPT. Tất cả đều coi đây là một trong những chatbot AI thông minh và mang tính cách mạng, thậm chí đủ giỏi để thay thế hàng loạt công việc do con người đảm nhiệm.

Tuy nhiên, với nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực AI thế giới, ChatGPT thực chất không hề 'thông minh' đến vậy. Thậm chí, các chuyên gia này còn đưa ra các lời nhận xét phũ phàng về chatbot AI của OpenAI.

"Xét về các yếu tố kỹ thuật cơ bản, ChatGPT chẳng mang tới các đổi mới đặc biệt nào", nhà nghiên cứu Yann LeCun, giáo sư tại Đại học New York và trưởng nhóm nhà khoa học AI tại Meta, cho biết tại một buổi hội thảo trực tuyến về AI tuần trước.

LeCun (trong ảnh) là người chiến thắng Giải Turing 2019 (giải thưởng danh giá ngang vói Nobel) vì những đóng góp cho ngành khoa học máy tính, cùng với Bengio, giáo sư Đại học Toronto của MILA và, Geoffrey Hinton của Google. Cả ba là những người tiên phong trong kỷ nguyên AI học sâu ngày nay.

ChatGPT không đột phá và cách mạng, chỉ tận dụng nền tảng do bên khác phát triển

"Không có gì mang tính cách mạng ở đây cả, mặc dù đó là cách mà công chúng nhìn nhận nó. Chỉ là, bạn biết đấy, nó được kết hợp với nhau rất tốt, nó được thực hiện rất tốt." chuyên gia về AI này nhận định về ChatGPT.

Ông LeCun cho biết, các hệ thống AI dựa trên dữ liệu như vậy đã được phát triển trước đây bởi nhiều công ty và phòng nghiên cứu. Theo đó, các ý kiến cho rằng OpenAI đang 'đơn thương độc mã' trong mảng phát triển chatbot AI nói riêng là không chính xác.

"OpenAI hoàn toàn không có sự vượt trội so với các phòng nghiên cứu khác," LeCun nói.

"Không chỉ Google và Meta, mà còn có nửa tá công ty khởi nghiệp về cơ bản có công nghệ rất giống với OpenAI. Tôi không muốn nói công nghệ này không khó để phát triển, nhưng nó thực sự được chia sẻ rộng rãi, không có bí mật nào đằng sau nó, nếu bạn muốn.", chuyên gia này cho biết.

Theo người đứng đầu bộ phận nghiên cứu AI tại Meta, ChatGPT và Open GPT 3 - mô hình ngôn ngữ chatbot này được phát triển dựa trên, thực chất bao gồm nhiều thành phần công nghệ đã được nhiều bên phát triển suốt nhiều năm.

"Bạn phải nhận ra rằng ChatGPT sử dụng kiến trúc Transformer đã được đào tạo trước theo cách tự giám sát này".

"(Việc AI ) tự học có giám sát là điều mà tôi đã ủng hộ từ lâu, ngay cả trước khi OpenAI tồn tại", ông nói.

Theo chuyên gia LeCun, kiến trúc Transformer là một phát minh của Google. Đây là mạng thần kinh ngôn ngữ được Google trình làng vào năm 2017, vốn nhanh chóng trở thành cơ sở cho một loạt các mô hình ngôn ngữ, bao gồm cả GPT-3.

Bản thân việc nghiên cứu và phát triển các mô hình ngôn ngữ như vậy đã có từ nhiều thập kỷ trước. Theo đó, Mô hình ngôn ngữ Lớn – tên gọi của mô hình ngôn ngữ mạng lưới thần kinh đầu tiên là của Yoshua Bengio, ra mắt khoảng 20 năm trước. Yoshua Bengio cũng chính là người đứng đầu Mila - Viện AI Quebec là một viện nghiên cứu ở Montreal, Quebec, tập trung chủ yếu vào nghiên cứu trong lĩnh vực máy học.

Mô hình ngôn ngữ do Yoshua Bengio tạo ra đã thu hút được sự chú ý của giới công nghệ thời điểm bấy giờ. Sau đó, mô hình này cũng được Google chọn làm nền tảng để tạo nên kiến trúc Transformer, và trở thành một yếu tố then chốt trong tất cả các mô hình ngôn ngữ.

Chuyên gia AI hàng đầu thế giới đang làm việc tại Meta nói gì khi ChatGPT tạo cơn sốt: Không hề đột phá hay mới mẻ, chỉ tận dụng nền tảng do bên khác phát triển - Ảnh 1.

"OpenAI hoàn toàn không có sự vượt trội so với các phòng nghiên cứu khác," theo chuyên gia AI đang làm việc tại Meta.

Với riêng ChatGPT, chatbot AI của OpenAI đã sử dụng rộng rãi một kỹ thuật gọi là học tăng cường thông qua phản hồi của con người. Điều này có nghĩa, người dùng đưa ra các đánh giá về kết quả đầu ra, sau đó AI sẽ tự kiểm điểm và cải thiện, tương tự như tính năng Page Rank (Xếp hạng trang) của Google cho web. Theo ông LeCun, công ty đầu tiên tiên phong trong cách làm này chính là DeepMind của Google, thay vì OpenAI.

"Vì vậy, có cả một lịch sử đằng sau sự phát triển của AI, và nó (ý chỉ ChatGPT) không tự nhiên xuất hiện từ hư không," ông LeCun nói.

Cũng theo chuyên gia này, ChatGPT ít mang tính đột phá khoa học. Thay vào đó, đây có thể coi là một ví dụ về việc thiết kế hợp lý và kết hợp tốt các phương pháp kĩ thuật.

"Đó là những gì OpenAI đã làm," ông nói. "Tôi sẽ không chỉ trích họ vì điều đó."

Cũng trong buổi hội thảo, LeCun đề cập đến việc tại sao không có các hệ thống AI tương tự ChatGPT từ Google và Meta.

"Và, câu trả lời là, cả Google và Meta đều có nhiều thứ để mất khi đưa ra các hệ thống ó khả năng tạo ra mọi thứ", ông LeCun vừa cười vừa nói.

Khi được hỏi liệu nhóm AI của Meta, FAIR, do LeCun xây dựng, có ý định tạo ra một sản phẩm gây ấn tượng với công chúng, tương tự như cách làm của OpenAI hay không.

"Chúng ta sẽ thấy điều này từ Meta phải không? Vâng, chúng ta sẽ thấy điều này,", ông trả lời. "Không chỉ tạo ra văn bản, mà nó còn hỗ trợ công việc sáng tạo nghệ thuật".

Theo đó, Meta khẳng định các sản phẩm nghệ thuật được tạo ra tự động bởi AI sẽ tạo ra một cuộc cách mạng. Cụ thể, Meta sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ thực hiện marketing bằng cách tự động tạo ra các hình ảnh hay clip giúp quảng bá thương hiệu.

Tham khảo ZDNet