Còn nhiều dư địa cho xuất khẩu công nghệ số

Admin
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra nhiều giải pháp để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu công nghệ số cho doanh nghiệp Việt Nam.

Năm qua, ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam với doanh thu ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021.

Riêng 2 tháng đầu năm 2023, doanh thu cũng đã đạt hơn 20 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hiện đang chiếm một tỷ trọng đáng kể với hơn 90%. Vì vậy mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu nhiều giải pháp để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu công nghệ số cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025, tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp công nghệ số vào GDP trong 3 năm tới sẽ ở mức từ 6 - 6,5% mỗi năm.

Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, nhu cầu chuyển đổi số đang ngày càng tăng trên toàn cầu, thị trường quốc tế còn rất nhiều dư địa cho Việt Nam. Mục tiêu xuất khẩu công nghiệp công nghệ số năm 2023 sẽ đạt 137 tỷ USD.

Những robot Make in Vietnam đang được cung cấp cho 30.000 doanh nghiệp tại 20 quốc gia như Nhật Bản, Đức và Trung Đông, giúp gia tăng năng suất 30%. Tăng trưởng thị trường của các robot trong những năm qua luôn duy trì hơn 20%.

"Thị trường lớn nhất của chúng tôi là Nhật Bản. Ở đó, nguồn nhân lực thiếu, tuy nhiên việc chuẩn hóa của họ rất tốt nên đây là môi trường tốt để chúng tôi triển khai bán sản phẩm. Với việc đưa robot phần mềm vào có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong thời gian nhanh chóng, đây là lý do giúp chúng tôi tăng trưởng ấn tượng trong năm vừa qua", ông Bùi Đình Giáp, Giám đốc công ty cổ phần akaBot, cho biết.

"Chúng ta nên chọn các thị trường về nhân lực công nghệ thông tin là thiếu. Thứ hai là thị trường các big tech global không đủ điều kiện phục vụ và lan tỏa. Những thị trường đó còn rất nhiều, khoảng 60 - 70% các nước. Chẳng hạn Australia, thị trường công nghệ thông tin khoảng 13 tỷ USD, nhưng chỉ có gần 100.000 nhân lực tại Australia phục vụ thị trường này. Đây là thị trường rất tiềm năng", ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định.

Bên cạnh việc chọn các thị trường phù hợp với mô hình và năng lực, theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt cần gia tăng tỷ lệ làm chủ công nghệ lõi để có được những hợp tác giá trị cao hơn.

"Tỷ lệ gia công phần mềm đúng nghĩa giảm từ 90% xuống còn dưới 40%, cái đó đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của thị trường toàn cầu gần 40%/năm. Có những thị trường như Mỹ, chúng tôi đã tăng trưởng 60%/năm", ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT, cho hay.

Bằng việc phát triển, làm chủ các sản phẩm Make in Việt Nam, ông Khoa cho biết doanh số xuất khẩu của tập đoàn năm 2023 hiện đã vượt 1 tỷ USD.

Tính đến hết năm 2022, Việt Nam có 75.000 doanh nghiệp công nghệ số, nhưng chỉ 2% số này có thể xuất khẩu được sản phẩm ra nước ngoài.

Các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì vậy xây dựng một mạng lưới liên kết theo mô hình đàn kiến sẽ là chìa khóa để ngày càng có nhiều doanh nghiệp bước ra thị trường quốc tế.

Liên kết các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu công nghệ số

Mô hình đàn kiến (Ant System Colony) được tiến sĩ Marco Dorigo, một nhà khoa học người Italy phát triển đầu tiên năm 1992. Theo mô hình này, lộ trình đường đi liên tục được tối ưu bằng chính sự trao đổi, chia sẻ, phối hợp giữa các cá thể kiến với nhau. Những doanh nghiệp đi trước sẽ mở đường cho sản phẩm Make in Việt Nam khác. Hướng đi này dù không nhanh chóng tạo ra những công ty trị giá tỷ đô - những kỳ lân công nghệ mới, nhưng lại có thể thúc đẩy hàng ngàn doanh nghiệp có được doanh thu triệu đô.

Mới đây, 15 doanh nghiệp tại Hà Nội đã ký kết liên minh doanh nghiệp chuyển đổi số thị trường Nhật Bản - JDXP. Mục tiêu của liên minh là xuất khẩu 3 tỷ Yen ngay trong năm nay.

"Khi thành lập, chúng tôi sử dụng chung nguồn lực, tiết kiệm được nguồn lực, tiết kiệm được chi phí. Khách hàng của mỗi công ty trở thành khác hàng chung của group. Sự tín nhiệm của các hiệp hội tăng lên và vì vậy lượng việc cũng nhiều hơn", ông Phạm Văn Tuần, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ sư Công nghệ cao Việt Nam, Thành viên liên minh JDXP, cho biết.

Ngay sau khi thành lập liên minh, nhóm các doanh nghiệp chuyển đổi số thị trường Nhật Bản đã thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Ông Yoshida - lãnh đạo một tập đoàn giải pháp công nghệ trong lĩnh vực giáo dục, y tế,đã trực tiếp tới Việt Nam để đề xuất hợp tác với nhóm.

"Hiện tại thì ở Nhật Bản chúng tôi, nhu cầu sử dụng các công nghệ số cũng lớn nhưng lại đang rất thiếu nguồn nhân lực. Vì thế tôi tìm đến nhóm các doanh nghiệp Việt Nam để hợp tác với họ giải quyết bài toán này. Lần này chỉ bằng một chuyến đi, tôi đã có được rất nhiều giải pháp tốt", ông Masataka Yoshida, Giám đốc điều hành Tập đoàn HONKI, Nhật Bản, chia sẻ.

"Khi hợp tác như vậy, bản thân khách hàng hiểu rằng họ sẽ có được sự hậu thuẫn về chuyên môn cũng như nhân sự của 15 công ty thành viên, cũng như khi họ làm việc với JDXP và uy tín cũng không chỉ của một công ty mà là của cả 15 thành viên, của tổ chức", ông Lê Tuấn, Giám đốc sản phẩm công ty CNTT quốc tế SETA, thành viên JDXP, nhận định.

Hiện đang có 1.400 doanh nghiệp Việt Nam có doanh thu xuất khẩu công nghệ số, phủ rộng khắp các lĩnh vực. Mạng lưới theo mô hình đàn kiến kỳ vọng sẽ giúp gia tăng nhanh chóng con số này, từ đó không chỉ đảm bảo mục tiêu đóng góp của công nghệ số vào GDP mà còn linh hoạt trong chuyển đổi, thích ứng, tạo ra sự bền vững hơn cho cộng đồng công nghệ số Việt Nam.

Mục tiêu của Bộ Thông tin Truyền thông đặt ra cho xuất khẩu công nghệ số là 148 tỷ USD vào năm 2024 và vượt mốc 160 tỷ vào năm 2025.