Cơn sốt sầu riêng: Nhiều người lỗ tiền tỷ, nhà cửa 'bay' trong nốt nhạc

Admin
TPO - Giá sầu riêng đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lỗ tiền tỷ trong vòng nốt nhạc, thậm chí mất cả nhà, mất cửa vì lao theo sầu riêng.

Lỗ tiền tỷ trong vòng nốt nhạc

Tại diễn đàn nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam được tổ chức ngày 11/9 ở Đắk Lắk, ông Lê Anh Trung - Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH Đầu tư phát triển Vạn Hòa - cho biết, chưa năm nào, giá sầu riêng lại bị "thổi" đến mức ảo như hiện nay. Dù biết sau mỗi chuyến sầu riêng xuất khẩu, doanh nghiệp của ông phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng nhưng đành chấp nhận để giữ uy tín với đối tác.

 Cơn sốt sầu riêng: Nhiều người lỗ tiền tỷ, nhà cửa 'bay' trong nốt nhạc ảnh 1

Ông Lê Anh Trung - Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH Đầu tư phát triển Vạn Hòa.

Ông Trung kể, trước vụ thu hoạch khoảng 2 tháng, nhiều thương lái đã vào tận vườn chốt giá thu mua ở mức từ 80.000 - 90.000 đồng/kg (chưa vận chuyển về kho, chưa có phân loại), gây nhiễu loạn thị trường.

Vì lợi ích trước mắt, nhiều nông dân sẵn sàng "bẻ cọc" với doanh nghiệp. Minh chứng là doanh nghiệp của ông đang gặp phải. Tháng 7/2022, công ty ông Trung hỗ trợ lập hồ sơ mã số vùng trồng, vốn sản xuất (50 triệu đồng/ha) cho người dân và các hợp tác xã trồng sầu riêng. Trong hợp đồng nêu rõ, trước vụ thu hoạch từ 15-20 ngày, công ty sẽ đánh giá tỉ lệ và chốt giá cho người nông dân. Thế nhưng, trước thời điểm thu hoạch khoảng 1-2 tháng, hơn 90% người nông dân bán hết ra ngoài. Chỉ có những vườn cực kỳ xấu, không ai mua mới gọi công ty. Chuỗi liên kết do doanh nghiệp xây dựng bị thất bại hoàn toàn, và đang phải trầy trật đi thu hồi tiền đã đầu tư.

"Vừa qua có một lượng lớn môi giới bất động sản sang "cò" sầu riêng. Tuy nhiên mặt hàng này rất đặc thù, thời gian thu hoạch, xuất bán trong khoảng 2 tháng. Khi "cò" sầu riêng không có chuyên môn, kinh nghiệm đã chốt giá cao thì bây giờ bị ngấm đòn. Nhiều người bị lỗ cả tỷ trong vòng nốt nhạc, thậm chí mất nhà, mất cửa", ông Trung nói.

 Cơn sốt sầu riêng: Nhiều người lỗ tiền tỷ, nhà cửa 'bay' trong nốt nhạc ảnh 2

Sầu riêng được đưa về vựa thu hoạch để sơ chế, đóng gói.

Liên quan đến hiện tượng tranh mua, tranh bán, ép giá... thậm chí không quan tâm đến mã vùng trồng trong quá trình mua bán sầu riêng, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho hay, một ngành hàng đang tăng trưởng “nóng” thì bên cạnh những thuận lợi thì sẽ phát sinh các hệ lụy, tồn tại, thậm chí tiêu cực.

Đây là việc mà cơ quan quản lý nhà nước cần phải vào cuộc quyết liệt, rà soát lại ở tất cả các khâu để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng sử dụng mã số vùng trồng không đúng quy định hoặc mạo danh, gian dối trong các khâu.

Để xây dựng chuỗi ngành hàng bền vững, hiệu quả, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, vấn đề hợp tác cực kỳ quan trọng. Trong quan hệ hợp tác, cả doanh nghiệp và nông dân phải tạo dựng thương hiệu, uy tín chung cho ngành hàng, sau đó mới nói đến lợi ích của mình.

Phải có sự đồng hành trong một quy trình từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, cùng nhau chia sẻ lợi ích kể cả khi lãi hay rủi ro. “Nếu mỗi người chỉ nghĩ đến bản thân mình, làm sao để mình thu lợi nhất thì chắc chắn sẽ mang lại rủi ro cao”, ông Dương nhấn mạnh.

 Cơn sốt sầu riêng: Nhiều người lỗ tiền tỷ, nhà cửa 'bay' trong nốt nhạc ảnh 3

Đắk Lắk đang vào chính vụ thu hoạch sầu riêng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT - cho biết, thương hiệu của từng doanh nghiệp rất quan trọng. Những lô hàng chộp giật, mạo danh không chỉ đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ phá sản, mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng Việt Nam.

Do đó, bà Hương nhấn mạnh, những đơn vị, cơ sở vùng trồng nếu phát hiện có trường hợp mạo danh mã số vùng trồng, cần báo cáo ngay với Chi Cục bảo vệ thực vật địa phương để có giải pháp ngay. Không ai bảo vệ thương hiệu tốt hơn chính mình.

Thiệt hại lớn nhất vẫn là nông dân

Đang vào chính vụ nhưng hoạt động mua bán ở thủ phủ sầu riêng ở Đắk Lắk không được sôi động như đầu vụ.

 Cơn sốt sầu riêng: Nhiều người lỗ tiền tỷ, nhà cửa 'bay' trong nốt nhạc ảnh 4

Thợ "gõ" sầu riêng đang kiểm tra độ già của quả.

Thương lái H’Rô Sa Mlô (trú huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) cho biết, mấy ngày nay chủ vườn liên tục yêu cầu cắt sầu riêng nhưng chị không thể đáp ứng hết bởi các vựa thu mua đang tạm ngưng. Trước đó, chị H'Rô Sa đã chốt với chủ vườn mức giá 80.000 đồng/kg, còn hiện tại chỉ có thể mua từ 70.000 - 75.000 đồng/kg.

Anh Phan Vĩnh Nghi - chủ vựa Vĩnh Nghi, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, chuyên thu mua sầu riêng xuất khẩu - cho hay, thị trường tiêu thụ đang bị lắng xuống do quả "tỷ đô" đang vào chính vụ. Ngoài ra, Thái Lan - đối thủ cạnh tranh xuất khẩu sầu riêng với Việt Nam cũng đang vào vụ thu hoạch. Nhiều đơn vị xuất khẩu, trong đó có doanh nghiệp của anh Nghi không dám thu hoạch ồ ạt, thậm chí phải ngưng mua vài ngày.

 Cơn sốt sầu riêng: Nhiều người lỗ tiền tỷ, nhà cửa 'bay' trong nốt nhạc ảnh 5

Vườn sầu riêng nhà ông Tá đang thu hoạch.

Theo ông Trần Quang Tá (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) - chủ 2ha sầu riêng, khi quả đã già đủ độ thì phải thu hoạch ngay, nếu kéo dài, quả chín rụng, phải bán giá thấp. Như vậy nhà vườn sẽ bị thiệt hại. Chưa kể, việc neo quả trên cây quá lâu sẽ ảnh hưởng đến khả năng đậu quả vụ sau.

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm chia sẻ, thời điểm sầu riêng vào vụ thu hoạch rất "nhạy cảm" nếu như tất cả các mối liên kết bị bẻ gãy, hoạt động kinh doanh bị ngừng trệ. Sầu riêng trong vườn không được thu mua kịp thời, quá tuổi, bị rụng thì thiệt hại cuối cùng vẫn là nông dân.

Từ năm 2016 đến 2022, tổng diện tích sầu riêng cả nước tăng từ 32 nghìn ha lên hơn 112,2 nghìn ha. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đã đạt 1 tỷ USD, và dự kiến tăng lên 1,5 tỷ USD.