Cuộc chiến chống lại sự kỳ thị từ nhà Táo của người dùng Android: Phải dùng ứng dụng trung gian để không 'lạc quẻ', sẵn sàng trả vài USD mỗi tháng

Admin
Trong hơn một thập kỷ, người dùng điện thoại thông minh trên khắp thế giới đã phải đối mặt với vấn đề lớn trong giao tiếp: chênh lệch giữa tin nhắn “bóng xanh lá cây và xanh lam”.

“Sau gần 10 năm, chồng tôi, Will, cuối cùng cũng được tham gia nhóm chat iMessage của gia đình họ Nguyễn”, chị Nicole Nguyễn vui mừng thông báo và cho biết chồng mình - từ một người dùng Android trung thành, đã gia nhập nhóm vào đầu tháng này thông qua Beeper Mini. Ứng dụng mới có thể làm điều mà trước nay chưa từng, đó là biến hộp tin nhắn xanh lá trên thiết bị Android trở thành hộp tin nhắn màu xanh lam như trên iMessage.

Người dùng Android đổ xô đến Beeper Mini ngay sau khi ứng dụng ra mắt vào ngày 5 tháng 12 và chỉ sau 48 giờ đầu tiên, hơn 100.000 lượt tải xuống đã được ghi nhận. Hoá ra, tình trạng phân biệt đối xử trong màu sắc các hộp tin nhắn là có thật.

Theo công ty phân tích Counterpoint Research, iMessage của Apple có sức thu hút mạnh mẽ, đặc biệt đối với thanh thiếu niên ở Mỹ - nơi hơn một nửa dân số sở hữu điện thoại thông minh là iPhone. Hộp tin nhắn sẽ hiển thị màu xanh lam nếu tất cả người dùng trong cuộc hội thoại đều là fan của nhà Táo khuyết.

Beeper Mini ban đầu hoạt động khá trơn tru. Will có thể thêm phản ứng vào tin nhắn, hủy gửi hoặc xem lại thời điểm mọi người trò chuyện. Bằng một cách kỳ lạ nào đó, không một tin nhắn nào của anh biến cuộc trò chuyện giữa 21 thành viên trở thành màu xanh lá cây cả.

Nhắn tin trên Android bị nhiều người cho là khó chịu. Không thể gửi tin nhắn SMS nhờ Wifi; bản thân hình ảnh hoặc video cũng không được xử lý tốt. Hơn hết, SMS giống như một ‘tấm bưu thiếp’ giúp các nhà mạng có thể đọc tin nhắn của người dùng, vậy nên, văn bản được mã hóa trên iMessage được cho là an toàn hơn cả.

Beeper Mini cho biết ứng dụng đã sử dụng một kỹ thuật đảo ngược giao thức iMessage của Apple và chỉ cần người dùng nhập số điện thoại để nhận dạng thiết bị. Tin nhắn sau đó sẽ được gửi trực tiếp đến máy chủ Apple và có mã hóa hai đầu.

Tuy nhiên, vài ngày sau khi Beeper Mini ra mắt, Apple đã đóng lỗ hổng kỹ thuật của Beeper với lý do rủi ro bảo mật. “Chúng tôi bảo vệ người dùng bằng cách ngăn chặn hành động khai thác thông tin xác thực giả mạo để có quyền truy cập vào iMessage. Điều này gây ra rủi ro đáng kể cho tính bảo mật và quyền riêng tư của người dùng”, đại diện Apple nói.

Một tuần sau, Beeper Mini quay trở lại, yêu cầu người dùng phải đăng nhập bằng tài khoản Apple. Bản cập nhật gần đây nhất lại yêu cầu người dùng phải đăng ký tài khoản Apple với máy tính Mac. Nói chung là khá phức tạp.

Ứng dụng ban đầu tính phí người dùng 2 USD/tháng, song cuối cùng lại chuyển qua miễn phí sử dụng bởi các nhà phát triển không thể đảm bảo chức năng nhắn tin cho người dùng Android. Tất nhiên, Will rất thất vọng. Anh hy vọng Apple sẽ hỗ trợ trình iMessage cho Android, giống như cách hãng đã đưa iTunes lên Windows nhiều năm trước.

“Nếu tôi sẵn sàng trả vài USD mỗi tháng cho Beeper thì tôi cũng sẵn sàng trả vài USD mỗi tháng cho phiên bản Apple”, anh nói.

Được biết trong hơn một thập kỷ, người dùng điện thoại thông minh trên khắp thế giới đã phải đối mặt với vấn đề lớn trong giao tiếp: chênh lệch giữa tin nhắn “bóng xanh lá cây và xanh lam”. Theo thời gian, sự khó chịu tăng lên khi khác biệt này tạo ra mối quan hệ chia rẽ sâu sắc giữa những người dùng có thói quen đánh giá nhau qua điện thoại. Màu sắc được cho là sẽ phản ánh địa vị và sự giàu có bởi quan niệm rằng chỉ những người giàu mới mua được iPhone.

Rất may, một phần vấn đề này sẽ sớm được giải quyết khi trong tháng 11 vừa qua, Apple thông báo sẽ cải tiến công nghệ gửi tin nhắn giữa người dùng iPhone và Android bằng cách áp dụng tiêu chuẩn mà Google và các hãng khác đã tích hợp. Văn bản được gửi giữa iPhone và Android sẽ vẫn có màu xanh lá, song hình ảnh và video sẽ mang chất lượng cao hơn. Các tính năng bảo mật như mã hóa đầu cuối cũng có thể tích hợp.

Thông thường, trên các ứng dụng hẹn hò, người dùng iPhone cảm thấy khá ‘kỳ thị’ mỗi khi bong bóng xanh lá cây xuất hiện. Theo Common Sense Media, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu tác động của công nghệ, nhắc đến biểu tượng này là nhắc đến sự cười nhạo.

Jim Steyer, giám đốc điều hành của Common Sense, tổ chức đã làm việc với hàng nghìn ngôi trường để chia sẻ những câu chuyện xoay quanh ứng dụng nhắn tin, cho biết: “So sánh tin nhắn xanh lá và xanh lam là một hình thức bắt nạt trên mạng”.

Trong một video phổ biến trên TikTok và YouTube, một người đàn ông ngẫu nhiên đặt câu hỏi cho những phụ nữ qua đường: “Một người mới 10 tuổi nhưng có điện thoại Android. Bạn chấm anh chàng mấy điểm?” Hầu hết đều trả lời “1” hoặc “0”, sau đó đưa ra những nhận xét kiểu ‘bong bóng xanh lá cây trông không sang’.

Thực tế, đúng là điện thoại Android có giá cả phải chăng hơn iPhone, song thương hiệu Android bán chạy nhất, Samsung, cũng sản xuất những chiếc smartphone Galaxy hàng đầu có giá từ 800 đến 1.100 USD, tức tương đương iPhone. Cũng không có bằng chứng nào cho thấy mọi người mua iPhone đều giàu có.

Mọi người chọn mua điện thoại vì nhiều lý do, bao gồm tính năng, kích thước màn hình, chất lượng camera và thời lượng pin. Ngân sách có thể là yếu tố quan trọng song sự khác biệt trong màu sắc tin nhắn không thể phản ánh thu nhập hay địa vị xã hội của bất kỳ ai.

Theo: WSJ, The New York Times

Vũ Anh