"Cuộc chiến" giá hàng công nghệ gây thiệt hại cho khách hàng

Admin
(NLĐO) - Các nhà bán lẻ đua nhau giảm giá để giành giựt thị phần. Để bù đắp vào mức giá giảm này, nhà bán lẻ phải cắt bỏ hàng loạt các ưu đãi khác mà lâu nay họ giành cho khách hàng.

"Cuộc chiến" giá hiện nay được khởi đầu bởi nhà bán lẻ lớn nhất thị trường, vốn có thị phần trên 60% vốn luôn duy trì chính sách giá bán lãi gộp cao.

Để thực hiện "cuộc chiến" giá, các nhà bán lẻ phải cắt giảm chi phí vận hành, trong đó rõ ràng nhất là tiến hành cắt giảm nhân sự, cắt giảm giờ công của nhân viên. Điều này dẫn tới chất lượng phục vụ khách hàng giảm không thể duy trì như trước đây nữa. Thêm nữa, các lương thưởng phục vụ cũng bị cắt bỏ để tập trung cho "cuộc chiến" giá.

Theo giới kinh doanh nhận xét Thế Giới Di Động với sức mạnh độc quyền, thị phần lớn, họ đã ký kết với hầu hết các hãng, nhà phân phối các mẫu sản phẩm độc quyền ở hầu hết các phân khúc giá. Với các sản phẩm này người tiêu dùng sẽ không có lựa chọn nào khác phải mua hàng với giá độc quyền của nhà bán lẻ.

Cuộc chiến giá hàng công nghệ gây thiệt hại cho khách hàng - Ảnh 1.

Khách hưởng lợi từ việc giảm giá nhưng lại chịu thiệt về dịch vụ

Theo ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, "cuộc chiến" giá này làm cho toàn bộ các nhà bán lẻ khác gặp khó khăn và dẫn tới sự giảm sút về chất lượng phục vụ của cả thị trường để có thể giảm chi phí. Về lâu dài, cuộc chiến giá dẫn tới toàn bộ các nhà bán lẻ cũng như các hãng, nhà phân phối không còn lợi nhuận để có thể tiếp tục đầu tư nâng cao trải nghiệm cho người tiêu dùng.

Về quy mô lớn hơn, "cuộc chiến" giá dẫn tới lợi nhuận ngành bị mất đi, người lao động trong toàn ngành bị sụt giảm thu nhập góp phần vào việc tiếp tục làm giảm sức mua. Đôi khi, người bán giảm giá để cạnh tranh và cắt bớt chất lượng sản phẩm hay các dịch vụ khác, nhất là dịch vụ hậu mãi để bù vào, làm cho giá trị dành cho khách hàng thấp xuống, dẫn đến mất sức cạnh tranh và mất khách. Hóa ra, mục đích của giảm giá là để cạnh tranh, nhưng tác dụng lại ngược lại là làm giảm sức cạnh tranh, do giá trị nhận được của khách hàng giảm xuống.

"Cuộc chiến" hạ giá hàng công nghệ tại các hệ thống bán lẻ chưa có hồi kết

PHShop ưu đãi giá hàng công nghệ

"Cạnh tranh bằng giảm giá là con dao hai lưỡi và không bao giờ bền vững. Nó có thể làm hại chính doanh nghiệp nếu bị lạm dụng và làm giảm giá trị dành cho khách hàng. Khi cạnh tranh lâu dài về giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các đại lý nói riêng và cả thị trường nói chung. Mức giá của sản phẩm sẽ bị đẩy xuống thấp hơn cả giá nhập, khiến các đại lý buộc cắt bớt chi phí, cắt giảm nhân sự để gồng lỗ từ việc xả hàng tồn" - bà Phùng Phương, đại diện Di Động Việt cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Khối Viễn thông Di động, hệ thống FPT Shop & F.Studio by FPT, "cuộc chiến" giá chắc chắn ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của hệ thống trong ngắn hạn, tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi khách hàng đã tin tưởng và luôn đồng hành thì FPT Shop luôn duy trì mức giá cạnh tranh nhất tại mỗi thời điểm. Việc này sẽ trở lại điểm cân bằng trong dài hạn, để cả nhà bán lẻ và khách hàng đều cùng được hưởng lợi khi nhà bán lẻ bán hàng có lợi nhuận nhằm duy trì hoạt động kinh doanh trong khi khách hàng sẽ nhận được không chỉ sản phẩm tốt mà còn dịch vụ, chính sách tốt đi kèm với sản phẩm khi nhà bán lẻ đầu tư vào hoạt động này.