Đại diện Automechanika: Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang trong Top phát triển nhanh nhất Đông Nam Á

Admin
Các công ty từ Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Đức, Đài Loan và Thái Lan nhấn mạnh kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh của họ tại thị trường Việt Nam.
Đại diện Automechanika: Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang trong Top phát triển nhanh nhất Đông Nam Á - Ảnh 1.

Ngành công nghiệp ô tô là một ngành kinh tế quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, ngành công nghiệp ô tô được hình thành cách đây hơn 20 năm, muộn hơn so các nước trong khu vực khoảng 30 năm.

Nếu năm 1991 ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới ra đời, thì công nghiệp ô tô tại các nước khác đã rất phát triển. Các nước như Thái Lan, Indonesia hay Trung Quốc lợi thế là những nước đi trước, công nghệ và lao động phát triển ở trình độ cao hơn, tận dụng được lợi thế kinh tế nhờ quy mô khiến chi phí sản xuất thấp hơn đã có ưu thế chiếm lĩnh thị trường xe hơi trong nước nhiều năm.

Dù vậy, trong cuộc cách mạng mới là xe điện, Việt Nam đang cho thấy sự tăng tốc.

Bà Fiona Chiew, Tổng Giám đốc Messe Frankfurt (HK) Ltd, mới đây có chia sẻ: “Kể từ khi Automechanika Tp.HCM ra mắt, Việt Nam đã trở thành một trong các thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Thông qua quá trình phát triển đô thị hóa, ngành công nghiệp ô tô nội địa chuẩn bị bước qua một kỷ nguyên mới, đón nhận các cơ hội từ việc hòa nhập phát triển về xe điện, công nghệ số, công nghiệp chế tạo và tự động hóa vào chuỗi cung ứng”.

Automechanika là Triển lãm Công nghiệp ô tô diễn ra hàng năm, đặc biệt năm 2023 ghi nhận sự tăng trưởng khách tham dự, bao gồm các tập đoàn trong nước và các nhà lãnh đạo ngành từ các quốc gia và khu vực như Úc, Ai Cập, Pháp, Nhật Bản, Litva, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ…

Trong đó, các công ty trong 9 quốc gia và khu vực đến từ Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Đức, Đài Loan và Thái Lan thông qua Automechanika, nhấn mạnh kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh của họ tại thị trường Việt Nam.

Đại diện Automechanika: Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang trong Top phát triển nhanh nhất Đông Nam Á - Ảnh 2.

Trong cuộc cách mạng mới là xe điện, Việt Nam đang cho thấy sự tăng tốc.

Năm qua, theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng xe bán ra Việt Nam đạt mức kỷ lục 509.141 chiếc. Con số này đánh một dấu mốc mới của nền công nghiệp xe hơi Việt Nam sau 30 năm phát triển.

Trong đó, số lượng lắp ráp trong nước là 226.487 chiếc (tăng 30%), số lượng nhập khẩu là 178.148 chiếc (tăng 37%). Hai đơn vị dẫn đầu có Vinfast với 24.042 chiếc (đã bao gồm EV) và Huyndai với 81.582 chiếc (tăng 15,6% so với năm 2021).

“Việt Nam đang tham gia khá sâu vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đạt mức tăng trưởng 25% hàng năm (từ năm 2020 đến năm 2025). Sự gia tăng này là do nền kinh tế trong nước thúc đẩy nhu cầu và các ưu đãi thuế hỗ trợ cho sản xuất trong nước, thuế nhập khẩu đối với phương tiện nước ngoài và đầu tư vào cơ sở hạ tầng”, ông Nguyễn Thanh Đàm – Chuyên gia phần mềm kỹ thuật ô tô – chia sẻ.

Sang năm 2023, những tín hiệu mới đáng chú ý cho thấy sự tăng tốc của thị trường, bao gồm:

+ Nhà máy thứ 2 của Huyndai Thành Công khánh thành vào tháng 11 (công suất thiết kế là 100.000 chiếc/năm).

+ BMW hợp tác với THACO để lắp ráp các dòng xe của BMW tại nhà máy của THACO.

+ Toyota đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất Avanza và Veloz.

+ VinFast lần đầu tiên xuất khẩu xe điện (EV) sang Mỹ.

+ Bãi bỏ các quy định về tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô (từ 1/10).

+ Ban hành ưu đãi thuế cho xe điện: trong vòng 3 năm, đưa thuế tiêu thụ đặc biệt cho các dòng xe điện sản xuất trong nước về 3%, giảm phí trước bạ về 0% đối với các dòng xe điện.

Đặc biệt là VinFast triển khai dịch vụ taxi điện. Tập đoàn đắt đầu triển khai tại Hà Nội từ tháng 4, mục tiêu là đến tháng 9 có 10.000 xe ô tô điện và 100.000 xe máy điện. Ngoài ra Hiệp hội taxi tại Hà Nội cũng có kế hoạch chuyển đổi sang EV.

Trước động thái này, ông Đàm nhấn mạnh: “Chúng ta đúng là thua Maylaysia, Indonesia… về xe xăng xe dầu, nên không thể đi chậm trong cuộc đua về xe điện. Có thể nói, đến nay Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về xe điện, và Việt Nam có lợi thế sát bên cạnh do đó có nhiều cơ hội để đón đầu. Chính phủ cũng nỗ lực phát triển xe điện, trong đó mục tiêu bảo vệ môi trường chỉ là một phần thôi, xe điện còn là bước đi mang tính làm nên thương hiệu quốc gia”.

Ở thủ phủ Quảng Ninh – nơi được kỳ vọng sẽ sớm hình thành một trung tâm sản xuất ô tô và các ngành phụ trợ, quy tụ những thương hiệu lớn trong nước và quốc tế - cũng đang thu hút vốn FDI vào ngành công nghiệp ô tô.

Thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm, các Khu công nghiệp, Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh (trừ Khu kinh tế Vân Đồn) ghi nhận đã thu hút được hơn 500 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Riêng 4 dự án đầu tư vào lĩnh vực phụ trợ ngành công nghiệp ô tô chiếm đến 76% tổng vốn FDI thu hút được (384,3 triệu USD).

Lý giải điều này, chuyên gia cho biết đầu tiên nhờ hạ tầng Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện. Ngoài ra, Việt nam còn có cơ cấu dân số vàng và trẻ. Với tổng số ô tô đang lăn bánh trên cả nước là 5,1 triệu chiếc, trên quy mô dân số là hơn 99 triệu người, Việt Nam đang có chỉ số vàng cho ngành ô tô so với khu vực. Đáng chú ý, GDP đầu người (thể hiện cho sức mua), nếu lấy mốc 3.000 USD để thể hiện một bước nhảy trong ngành ô tô, thì Việt Nam đã vượt mốc này.