Đảm bảo hạ tầng kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế

Admin
Với việc tăng trưởng lưu lượng sử dụng Internet hàng năm là hơn 30%, bài toán trong dài hạn là phải bổ sung hệ thống cáp mới, xây dựng hạ tầng kết nối hiệu quả, an toàn.

5/5 tuyến cáp quang biển kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế đều gặp sự cố làm gián đoạn nhiều hoạt động làm việc, giao tiếp, giải trí trên môi trường số của người dân và doanh nghiệp.

Các nhà mạng hiện đã sớm bổ sung lưu lượng trên các tuyến cáp quang đất liền để phục vụ người dùng. Mặc dù vậy, với việc tăng trưởng lưu lượng sử dụng Internet hàng năm là hơn 30%, bài toán trong dài hạn là phải bổ sung các hệ thống cáp mới theo nhiều hướng, xây dựng hạ tầng kết nối của Việt Nam hiệu quả và an toàn hơn trước các tình huống tương tự.

Theo sơ đồ các tuyến cáp quang biển liên quan đến Việt Nam, 5 vị trí màu đỏ là 5 vị trí các tuyến cáp quang này đang gặp sự cố, chủ yếu nằm ở đường kết nối đến Singapore và Hong Kong (Trung Quốc). Đây là 2 trung tâm lưu trữ lớn của thế giới và khu vực, vì vậy những website, dịch vụ đặt tại các địa điểm này khi truy cập vào sẽ chậm hơn so với thông thường.

"Các hệ thống kết nối Internet Việt Nam với khu vực chưa đáp ứng được nhu cầu, cũng như chưa đảm bảo được độ an toàn. Vì vậy tôi nghĩ trong thời gian tới, các doanh nghiệp và cơ quan liên quan cần bổ sung các tuyến cáp quang cũng như mở rộng theo các hướng để quản lý rủi ro tốt hơn", ông Vũ Thế Bình, Tổng Thư ký hiệp hội Internet Việt Nam, đánh giá.

Để xử lý vấn đề nêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông hiện cũng đã thành lập Ban chỉ đạo để bàn thảo, hoạch định kế hoạch xây dựng các tuyến cáp quang biển, đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm dữ liệu, kết nối của khu vực, giảm phụ thuộc vào 2 trung tâm hiện nay là Singapore và Hong Kong (Trung Quốc). Theo thông tin mới nhất từ Bộ và các nhà mạng, 2 tuyến cáp biển ADC, SJC2 sẽ đi vào hoạt động ngay trong năm nay.

Dự kiến từ nay đến năm 2025, sẽ có 10 tuyến cáp quang biển, gấp đôi so với hiện nay.