Đề xuất xe máy bắt buộc lắp camera giám sát, Cục CSGT: Nhiều người đang hiểu sai

Admin
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, việc hiểu bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình cho toàn bộ ô tô, xe máy là hoàn toàn không đúng.

Tại kỳ họp thứ 6, ngày 24/11 vừa qua, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tại điểm c Khoản 1 Điều 33 của dự thảo luật quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng bắt buộc phải có thiết bị giám sát hành trình đã khiến nhiều người hiểu là toàn bộ xe cơ giới, xe máy sẽ áp dụng quy định này.

Chính vấn đề này đã khiến nhiều ĐBQH có ý kiến góp ý tại buổi thảo luận. Theo dự thảo Luật, xe cơ giới gồm: xe ô tô; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô; xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; xe chở người bốn bánh có gắn động cơ; xe mô tô; xe gắn máy và các loại xe tương tự kể cả phương tiện giao thông công nghệ mới, phương tiện giao thông đa tính năng.

"Như vậy, so với quy định hiện hành, không chỉ xe ô tô kinh doanh vận tải mà xe ô tô cá nhân cũng phải có camera giám sát hành trình", đại biểu Dương Khắc Mai nhận định.

Còn đại biểu tỉnh Bình Phước đã dẫn số liệu tính đến tháng 6/2023, cả nước có trên 6 triệu ô tô và 73 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành. Số lượng xe máy là quá lớn trong khi thu nhập người dân còn thấp, đời sống người dân còn khó khăn.

Theo vị đại biểu này, nếu như dự thảo Luật được thông qua thì sẽ có đến hàng chục triệu xe máy phải gắn thiết bị giám sát hành trình, khó bảo đảm tính khả thi. Vì vậy mà đại biểu tỉnh Bình Phước đề nghị Ban soạn thảo chỉ quy định gắn thiết bị giám sát hành trình đối với xe kinh doanh vận tải như hiện hành và quy định cụ thể hơn về Trung tâm tích hợp phân tích dữ liệu.

Một đại biểu khác đồng quan điểm và nói thêm, đặc biệt với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới việc mua được xe máy để đi đã là một điều khó khăn mà giờ lại phải cõng thêm một khoản chi phí để lắp camera hành trình thì sẽ khó chồng khó.

Trao đổi về vấn đề này mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, thông tin xe mô tô, xe gắn máy và ô tô cá nhân bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình là không chính xác.

Ông Minh nêu, tại Điều 33 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có ghi rõ: "Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập hình ảnh, dữ liệu người lái xe; dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định".

"Nhiều người đang hiểu cụm từ xe máy chuyên dùng là mô tô, xe gắn máy của cá nhân. Tuy nhiên, đây là cách hiểu không đúng, xe máy chuyên dùng được nhắc đến trong dự thảo là xe máy thi công; xe máy thực hiện chức năng, công dụng đặc biệt", Tuổi trẻ Online dẫn lời phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông lý giải.

"Các loại xe máy này khi lưu thông ngoài đường cần có camera hành trình, hoàn toàn không liên quan đến xe mô tô hay xe gắn máy cá nhân của người dân", Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh khẳng định trên CAND.

Phó Cục trưởng Cục CSGT cũng cho biết, dự thảo Luật khuyến khích lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô cá nhân. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tham gia giao thông đường bộ và tăng cường sự quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông.

Sẽ có khảo sát, đánh giá nhiều chiều

Cũng liên quan tới quy định lắp thiết bị giám sát hành trình đối với các loại xe cơ giới, bao gồm xe ô tô và xe máy chuyên dùng trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tại họp báo thông báo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Trung tướng Nguyễn Minh Đức- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: Đây là quan điểm của Cơ quan soạn thảo nên Cơ quan thẩm tra tôn trọng các nội dung trong tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật, đồng thời tham mưu cho Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội xin ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.

Theo ông Đức, trách nhiệm của cơ quan thẩm tra là phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan chức năng đánh giá tác động của chính sách sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của người dân Việt Nam để quy định sao cho đảm bảo quản lý xã hội, phục vụ lợi ích của người dân.

"Đây là dự thảo ban đầu, các đại biểu Quốc hội đang cho ý kiến, đồng thời sẽ có khảo sát, tọa đàm đánh giá nhiều chiều để đi đến chân lý", Trung tướng Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Chia sẻ trên CAND, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh cũng cho biết thêm, Cục CSGT tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và nhân dân. Từ đó, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan chức năng đánh giá tác động của chính sách để phù hợp với điều kiện thực tế của người dân Việt Nam để quy định sao cho đảm bảo quản lý xã hội, phục vụ lợi ích của người dân.

Chương III PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 33. Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ

1. Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Được cấp chứng nhận đăng ký và gắn biển số theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 7 Điều 34 Luật này;

b) Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 35 và khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 36 Luật này;

c) Có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.

Trang Anh