Địa phương cần chặt chẽ hơn trong quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Admin
(Chinhphu.vn) - Đối với các vi phạm về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, các địa phương cần tăng cường giám sát, kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng mã số; phối hợp với các bộ, ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Ngày 24/8, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến "Tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói".

Thời gian gần đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc các sản phẩm nông sản của Việt Nam không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Cụ thể là các sản phẩm chuối, xoài, sầu riêng, mít, thanh long, nhãn… xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; sầu riêng, chôm chôm, ớt xuất khẩu vào thị trường các nước Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Hàn Quốc.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp và các đơn vị quản lý cửa khẩu nêu thực tế, việc kiểm soát các đối tượng kiểm dịch thực vật và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong nông sản của các lô hàng xuất khẩu còn bị buông lỏng, có tình trạng không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh nông sản có nguồn gốc thực vật khi xuất khẩu, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam. 

Ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Vina T&T cho rằng: "Công tác sản xuất cần chú trọng chuẩn hóa, đồng bộ về chất lượng, bao bì, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc,… thì mới có thể đáp ứng yêu cầu của từng thị trường nhập khẩu. Có như vậy, xuất khẩu nông sản, hoa quả mới đem lại hiệu quả cao; góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu theo hướng chính ngạch và chuyên nghiệp hơn".

Về quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn nhìn nhận: "Liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất tại vùng trồng và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ nên vẫn còn hiện tượng hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ dân bán phá giá khi thương lái mua giá cao hơn gây ảnh hưởng lớn cho doanh nghiệp. Đề nghị Bộ NN&PTNT sớm xây dựng và ban hành quy định pháp luật, chế tài trong việc sử dụng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để quản lý hiệu quả hơn. Việc này cũng sẽ góp phần bảo vệ chủ sỡ hữu mã số; thống nhất danh mục hồ sơ cần thiết cho các địa phương và doanh nghiệp".

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, trong bối cảnh hiện nay, sức hấp dẫn của các mặt hàng nông sản Việt Nam đối với nhiều thị trường trên thế giới ngày càng tăng. Yêu cầu đặt ra vừa phải duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bên cạnh việc đảm bảo đủ sản lượng cung ứng, vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh đối với nông sản phải được coi là yếu tố then chốt. 

Đối với các vi phạm về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng mã số; phối hợp với các bộ, ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh hướng xử lý các vi phạm khi nhận được các cảnh báo từ phía nhập khẩu: "Sẽ phải sử dụng các biện pháp hành chính, nếu các lô hàng đến cửa khẩu mà cơ quan kiểm dịch thực vật phát hiện vi phạm sẽ yêu cầu chuyển trở lại. Nếu có vi phạm sẽ không cho phép xuất khẩu và tạm dừng việc khai thác, sử dụng mã số đó. Khi tìm được biện pháp khắc phục và đã đàm phán được các yêu cầu về kiểm dịch thực vật cũng như an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu thì mới thông báo cho địa phương và chủ sở hữu các cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng tiếp tục được phép khai thác phục vụ xuất khẩu". 

Về lâu dài, Bộ NN&PTNT cũng đã phối hợp với Bộ Tư pháp đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng thêm Nghị định về hướng dẫn cấp mã số, vùng trồng và cơ sở đóng gói và Nghị định về các chế tài xử phạt trong lĩnh vực này.

Đỗ Hương