Bộ Tài chính Nga cho biết ngân sách từ dầu khí, huyết mạch của nền kinh tế, đã giảm 64% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước và giảm 5,9% so với tháng 3. Nguyên nhân chính là do quốc gia này trợ cấp nhiều hơn cho các nhà máy lọc dầu.
Vào tháng trước, ngân sách từ việc bán dầu khí đạt 647,5 tỷ rúp (8,3 tỷ USD), giảm nhẹ so với 688,2 tỷ trong tháng 3 và giảm gần gấp đôi so với 1,798 nghìn tỷ rúp vào tháng/2022.
Trong khi đó, các khoản trợ cấp rút từ ngân sách cho các công ty lọc dầu đã tăng 38 tỷ rúp lên 79,3 tỷ rúp trong tháng 4, bên cạnh các khoản thanh toán tương tự cho các nhà máy lọc dầu theo “cơ chế giảm xóc” đã tăng lên 107,2 tỷ rúp, từ 96,7 tỷ rúp trong tháng 3.
Đồng thời, doanh thu thuế dựa trên lợi nhuận từ các nhà sản xuất dầu đã giảm trong tháng trước xuống còn 185,4 tỷ rúp, từ mức 220,6 tỷ rúp trong tháng 3.
Bộ Tài chính Nga có kế hoạch giảm một nửa trợ cấp cho các nhà máy lọc dầu từ tháng 7/2023 và đang hướng tới việc cắt giảm các khoản thanh toán từ ngân sách theo cơ chế giảm bớt 30 tỷ rúp.
Doanh thu từ thuế khai thác khoáng sản (MET) và thuế xuất khẩu của Nga trong tháng 4 tăng so với tháng 3 lần lượt là 6,5%, tương đương 36,4 tỷ rúp và 13,5%, tương đương 6,8 tỷ rúp.
Ngân sách cho năm 2023 dự báo mức thâm hụt là 2% GDP. Bộ Tài chính Nga đã lập ngân sách giảm 23% doanh thu từ dầu khí trong năm nay xuống còn 8,95 nghìn tỷ rúp.
Trong nửa đầu năm 2022, Nga được hưởng lợi từ giá nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt nhắm vào nhập khẩu dầu có hiệu lực vào tháng 12/2022 đã dẫn đến việc hạn chế nguồn thu của Nga.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm hơn 1/4 vào tháng 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm trong tháng 2 thậm chí còn đáng kể hơn (hơn 40%).
Ngày 4/5, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak thông báo nước này đang giảm sản lượng khai thác dầu mỏ 500.000 thùng/ngày so với sản lượng trong tháng 2 năm nay.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Nga cũng đề cập những suy đoán hiện nay trên các phương tiện truyền thông nước ngoài về các mức khai thác "vàng đen", cho rằng báo giới không tính đến thực tế là nguồn cung qua các đường ống dẫn dầu tới Liên minh châu Âu (EU) đã giảm đáng kể, hơn 2/3, và nguồn cung này chỉ được bù đắp một phần thông qua hoạt động xuất khẩu dầu bằng đường biển.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi nhiều tờ báo đăng tin về việc gia tăng xuất khẩu dầu mỏ dựa trên kết quả giám sát xuất khẩu bằng đường biển.
"Với tư cách là bên tham gia thị trường có trách nhiệm và như một biện pháp phòng ngừa trước những biến động tiếp theo của thị trường, Nga sẽ thực hiện cắt giảm tự nguyện 500.000 thùng dầu mỗi ngày từ mức sản xuất trung bình vào tháng 2, cho đến cuối năm 2023”, Phó Thủ tướng Alexander Novak cho hay.
Tham khảo: Reuters