Từ đầu năm 2023 đến nay, ứng dụng chatbot siêu trí tuệ nhân tạo (AI) là ChatGPT gây sốt cho cả thế giới. Một trong những yếu tố quyết định làm nên sự thông tuệ của ChatGPT là ở nguồn dữ liệu khổng lồ mà nó được huấn luyện. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của nguồn dữ liệu và các giải pháp kết nối dữ liệu.
Xương sống của chuyển đổi số
Ngày 9-2, trong chuyến công du Singapore, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nghe ông Sim Feng-Ji, Phó Giám đốc Cơ quan Quốc gia Thông minh của Singapore, thuyết trình về chiến lược xây dựng "quốc gia thông minh". Theo đó, chiến lược này gồm 3 nhánh chính là xã hội số, kinh tế số và chính phủ số, đều được vận hành dựa trên nguồn dữ liệu quốc gia.
Dữ liệu là cốt lõi của mọi hoạt động số ngày nay, là xương sống của chuyển đổi số. Ở Việt Nam, trong thời gian qua, nỗ lực xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung, CSDL quốc gia chuyên ngành về nhiều lĩnh vực đã được đẩy mạnh và đạt những kết quả ban đầu khích lệ. Tại một hội nghị vào cuối năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đã nhấn mạnh: "Năm 2023 là "Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới", phải xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia (TTDLQG) để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp". Thủ tướng yêu cầu phải xác định chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; chuyển từ thủ công truyền thống sang môi trường số; đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương... Theo báo cáo tại hội nghị sơ kết năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, các CSDL quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp (quản lý dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch điện tử...).
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Hệ thống thông tin dùng chung toàn TP Hà Nội chiều 9-2. Ảnh: HUY THANH
Hiện TP Hà Nội đã xây dựng và đưa vào vận hành khai thác sử dụng 4 hệ thống thông tin, ứng dụng cốt lõi gồm: Hệ thống thông tin báo cáo thành phố, hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung thành phố, kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo, ứng dụng quản lý cuộc họp tại UBND thành phố. Tính đến ngày 18-1, đã có 633 cơ quan, đơn vị (23 sở, ban, ngành; 30 quận, huyện và 579 xã, phường, thị trấn) tham gia triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố; đã tổ chức khởi tạo và bàn giao 31.345 tài khoản cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố phục vụ nhu cầu khai thác sử dụng và xử lý công việc trên hệ thống.
Cần nhạc trưởng đủ lực để điều tiết
Để được truy xuất phục vụ cuộc sống hằng ngày thì dữ liệu phải được tạo điều kiện kết nối, khai thác, chia sẻ để dùng chung hiệu quả. Dữ liệu chỉ để lưu trữ là dữ liệu chết.
DataCamp, công ty có mục tiêu dân chủ hóa các kỹ năng dữ liệu cho mọi người, đã nêu ra 5 mục đích khiến dữ liệu trở nên quan trọng. Đó là hỗ trợ việc ra quyết định, giải quyết vấn đề, hiểu biết rộng hơn, cải thiện các tiến trình và hiểu cách ứng xử. Ông Martijn Theuwissen, lãnh đạo của DataCamp, nói rằng: "Dữ liệu là cốt lõi của một doanh nghiệp ngày nay nhưng hầu hết các công ty chỉ phân tích một phần dữ liệu".
Thực tế cho thấy các CSDL, đặc biệt là CSDL quốc gia, chỉ có thể phát huy tối đa tác dụng - nhất là về tính đồng bộ, dùng chung - nếu chúng được tập trung về một đầu mối quản lý, điều hành. Điều này còn giúp tăng hiệu quả đầu tư và tính an toàn dữ liệu, bảo mật thông tin.
Bộ Công an đã được chọn là cơ quan chủ trì về cơ sở vật chất của TTDLQG. Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết: "Việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương thời gian qua thực chất mới chỉ là kết nối về vật lý, còn về nội dung bên trong CSDL của nhiều bộ, ngành, địa phương hiện còn rất nhiều vấn đề phải bổ sung, hoàn thiện để bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống". Cũng theo Bộ Công an, quá trình thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập về hạ tầng, nhân lực. Nhiều hệ thống công nghệ thông tin được đầu tư từ lâu nhưng thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm an ninh, an toàn. Nhiều CSDL chưa được thu thập, còn lưu trữ trùng lặp, chưa được chuẩn hóa để kết nối, chia sẻ, khai thác dùng chung...
Ngày 28-1 vừa qua, trong Thông báo số 16/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng TTDLQG. Ngày 3-2, Bộ Công an và Tổ Công tác Đề án 06 đã tổ chức hội thảo cấp quốc gia lần thứ nhất về xây dựng TTDLQG với chuyên đề "Xác lập chiến lược dữ liệu đúng đắn, tạo sức bật phát triển kinh tế xã hội".
Nhiều nước trên thế giới đã có những TTDLQG phục vụ việc vận hành chính phủ số, kinh tế số và xã hội số như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore... Việt Nam có nhiều điển hình để chọn lựa tham khảo. Vấn đề mà mọi người quan tâm là phải xây dựng một TTDLQG thật sự có hiệu quả và không gây lãng phí ngân sách nhà nước. TTDLQG phải dựa trên nền tảng công nghệ AI, BigData, với các nguồn dữ liệu sống được tập trung thành một đầu mối (hub) và có thể dùng chung. Kinh nghiệm thực tế ở Việt Nam cho thấy một TTDLQG cần phải có một nhạc trưởng đủ uy lực và thường xuyên giơ cao chiếc đũa giữ nhịp.
Dữ liệu đã kết nối với nhiều bộ, ngành, địa phương
Bộ Công an được giao nhiệm vụ triển khai CSDL quốc gia về dân cư, từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số; tính đến nay đã kết nối, liên thông với 12 bộ, ngành, 35 địa phương và 4 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp gần 4.400 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (gấp 3 lần năm 2021).