Game online: Làm sao để “kéo” tiền thuế về Việt Nam?

Admin
Việt Nam có vị thế quan trọng trên toàn cầu trong việc sản xuất các game có quy mô nhỏ và vừa. Ngành game tại Việt Nam có 28,4 triệu người chơi, doanh thu năm 2021 lên đến 665 triệu USD, tuy nhiên, chỉ một nửa trong số đó nộp thuế cho nhà nước, số còn lại đang “chảy” ra nước ngoài.

Thất thu hàng trăm triệu USD tiền thuế từ ngành game

Theo thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, ngành kinh doanh trò chơi tại Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng gần 28,5 triệu người chơi. Năm 2021, tổng doanh thu từ thị trường game Việt đạt khoảng 665 triệu USD, xếp thứ 5 khu vực Đông Nam Á. Doanh thu các trò chơi sản xuất tại Việt Nam phát hành ở thị trường toàn cầu lên đến 200 triệu USD/năm. 50% tựa trò chơi di động được chơi nhiều nhất có nguồn gốc từ Việt Nam, 5/10 công ty trò chơi hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương và Australia là của Việt Nam. Tuy nhiên, số tiền đóng thuế cho Nhà nước Việt Nam chỉ chiếm 50%, còn lại là các cá nhân, tổ chức đóng thuế cho nước ngoài, chủ yếu ở Singapore.

Nguyên nhân là do có nhiều công ty khởi nghiệp do người Việt Nam sáng lập, kinh doanh tại thị trường Việt Nam nhưng lập công ty ở Singapore nhằm tận dụng chính sách ưu đãi, dẫn đến truy thu thuế khó khăn. Năm 2022, các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được số vốn khoảng 416 triệu USD, nhưng chỉ khoảng 20% trong số đó có trụ sở ở Việt Nam, 80% còn lại ở Singapore, do đó, khi các công ty này được mua lại hay sáp nhập, Việt Nam sẽ không được hưởng lãi vốn và các khoản thuế thu về.

“Khi họ kinh doanh ở trên facebook thì hoàn toàn không có thông số, chưa cung cấp thông tin nên khi cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Tổng cục thuế mà muốn làm việc, xác định được số tiền doanh thu và để thu thuế thì gặp rất nhiều khó khăn vì hiện facebook cũng chưa hợp tác để cung cấp những thông tin đó”, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin Truyền thông cho biết.

Theo Tổng cục Thuế, hiện nay, đối với các cá nhân, trong đó có các nhà sáng tạo nội dung game có thu nhập từ Facebook, YouTube được,ơ xếp vào dạng cá nhân kinh doanh nên việc tính thuế được quy định tại Thông tư số 92. Theo đó, nếu doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ đóng mức thuế 7% trên thu nhập, gồm: 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân.

Ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua rà soát trên địa bàn thành phố, hiện không phải chỉ có 1 - 2 cá nhân nhận vài chục tỷ đồng từ Facebook, YouTube mà con số này còn lớn hơn nhiều. Một trong những khó khăn từ việc truy thu thuế của các cá nhân kinh doanh game chính là nguồn thông tin để rà soát.

“Những nhân vật có mức độ tương tác nhiều, các clip do người nổi tiếng đưa lên được lives, follow hay lượng view cao để xem việc họ kê khai tính thuế như thế nào và qua việc khai thác các thông tin từ phía ngân hàng cung cấp cho cơ quan thuế thì chúng tôi cũng xác định được một số phạm vi nhỏ để tập trung rà soát”, ông Nguyễn Nam Bình thông tin.

Cần phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành

Theo đại diện Tổng cục thuế, hiện đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp làm trò chơi điện tử trong nước có dấu hiệu “núp bóng” làm đại lý phát hành game cho các doanh nghiệp nước ngoài để trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế.

Cụ thể, qua rà soát, Tổng cục Thuế phát hiện một số doanh nghiệp được cấp phép phát hành game, nhưng đơn vị tải game lên các kho ứng dụng trực tuyến lại là doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, một số doanh nghiệp không thực hiện lưu trữ thông tin cá nhân người chơi tại hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, không kết nối thanh toán với hệ thống thanh toán hợp pháp của Việt Nam. Sau khi phát hiện vi phạm, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Bộ Công an xử lý vi phạm hành chính với hơn 10 trường hợp vi phạm. Đồng thời, phối hợp với Bộ thông tin và Truyền thông xem xét thu hồi giấy phép. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đề nghị Ngân hàng Nhà nước dừng thanh toán, chuyển hồ sơ sang Bộ Công an điều tra về hành vi trốn thuế.

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ chính sách, Tổng cục thuế cho rằng, để quản lý tốt hơn trong lĩnh vực game online, một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp với các ngân hàng thương mại để kiểm soát dòng tiền chi trả cho các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google…

“Đề nghị Ngân hàng thương mại phải cung cấp tài khoản của tổ chức cá nhân có liên quan cho cơ quan thuế. Thứ hai là thực hiện khấu trừ thuế tại nguồn đối với các hoạt động giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới”, ông Huy nêu rõ.

Game online: Làm sao để “kéo” tiền thuế về Việt Nam? - Ảnh 1.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế

Thời gian qua, Tổng cục Thuế cũng đã tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành để thực hiện các giải pháp về quản lý về thương mại điện tử, trong đó có game online. Từ năm 2018 đến nay, tổng số hoạt động thu, truy thu qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đạt 5.588 tỷ đồng và riêng từ khi mở cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài như: Netflix, Facebook, Tiktok, ebay… đã thực hiện thu được khoảng 1.200 tỷ đồng.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế khẳng định, để tăng cường chống thất thu thuế, thời gian tới, cơ quan thuế sẽ tiếp tục làm việc với các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này để nắm được nghĩa vụ thuế. Trường hợp người nộp thuế cố tình gian lận, cơ quan thuế sẽ cưỡng chế thuế.

“Thời gian tới, chúng tôi cũng rất mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, các ngành, đặc biệt là việc kết nối cơ sở dữ liệu thông tin của ngành Thuế với các Bộ: Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, cơ quan Hải quan để tăng cường quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử và đặc biệt chúng tôi sẽ thực hiện ứng dụng các công nghệ để tăng cường quản lý để chống gian lận trong vấn đề về thuế”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế nói.

Đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho biết, để khắc phục tình trạng thất thu thuế từ ngành game, trước mắt sẽ nghiên cứu, đề xuất thay đổi chính sách làm game; giảm thuế - phí với các doanh nghiệp liên quan; giới hạn game nước ngoài và thí điểm chính sách quản lý với các loại hình game trên công nghệ blockchain.

Theo nhiều chuyên gia, chính sách thuế rõ ràng là cần thiết, song đây chưa phải là điều kiện duy nhất để quyết định chất lượng phát triển của ngành công nghiệp game tại Việt Nam. Để ngành game phát triển xứng tầm, trở thành một ngành công nghiệp, cần hành lang pháp lý phù hợp, thu hút thêm các nguồn đầu tư quốc tế, tránh tình trạng “chảy máu” sang những quốc gia khác. Bên cạnh đó, cần tăng cường đối thoại giữa nhà phát hành game, cơ quan quản lý, nhà đầu tư, nhà làm luật để có giải pháp tháo gỡ những vấn đề tồn tại để ngành công nghiệp này đi đúng hướng, loại bỏ nguy cơ xấu từ game lậu và thất thu ngân sách.