Tuy nhiên, đáng chú ý, dòng tiền đầu tư đến thị trường bật tăng mạnh trở lại, thể hiện qua giá trị giao dịch toàn Sở tăng vọt hơn 60% so với ngày trước đó, đạt gần 5.000 tỷ đồng, cao nhất trong 2 tuần trở lại đây.
Giá cà phê Arabica dẫn đầu đà suy yếu của toàn thị trường với mức giảm 3,11% xuống 3.434,8 USD/tấn. Nguồn cung dần khởi sắc đang đưa đến triển vọng tích cực hơn cho hoạt động xuất khẩu cà phê tại Brazil, quốc gia cung ứng Arabica lớn nhất thế giới trong thời gian tới.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, giá cà phê Robusta khởi sắc với mức tăng nhẹ 0,47%. Tồn kho Robusta trên Sở ICE giảm sâu khiến thị trường lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung quay lại. Tồn kho Robusta trên Sở ICE kết thúc ngày 13/7 ở mức 54.220 tấn, thấp nhất kể từ 2016. Cùng với đó, việc xuất khẩu cà phê tương đối chậm tại Việt Nam, nhà cung cấp Robusta lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2023 vẫn tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá. Ước tính, lượng cà phê xuất khẩu 6 tháng đầu năm của nước ta giảm 3% so với cùng kỳ năm 2022.
Ghi nhận trong sáng nay, trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục tăng khoảng 100-200 đồng/kg. Theo đó, cà phê được thu mua trong khoảng 65.000 – 65.700 đồng/kg. So với đầu tháng 7, giá cà phê trong nước hiện cao hơn khoảng 900 đồng/kg.
Giá dầu gặp áp lựcKết thúc phiên giao dịch ngày 17/7, tất các 5 mặt hàng trên nhóm năng lượng đồng loạt đóng cửa trong sắc đó. Trong đó, giá của cả 2 mặt hàng dầu thô đều giảm hơn 1,5% và là phiên giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 1,68% xuống 74,15 USD/thùng và giá dầu Brent giảm 1,72% xuống 78,5 USD/thùng.
Dữ liệu tăng trưởng kinh tế thấp hơn kỳ vọng của quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 trên thế giới, Trung Quốc, là nguyên nhân chính khiến giá dầu gặp áp lực.
Thêm vào đó, một vài lo ngại về nguồn cung gián đoạn vào cuối tuần trước đã được giải quyết, cũng làm gia tăng áp lực bán trên thị trường dầu thô. Hoạt động sản xuất tại các mỏ dầu Sharara và El Feel của Libya đã được khôi phục trở lại sau các cuộc biểu tình. Mỏ Sharara là một trong những khu vực sản xuất lớn nhất của Libya với công suất khoảng 300.000 thùng/ngày.
Việc Saudi Arabia cắt giảm sản lượng, đẩy giá dầu tăng cao đang khiến nhà nhập khẩu dầu thô số 1 thế giới, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dầu thô từ Brazil. Theo hãng tin Reuters, một số thương nhân cho biết quốc gia này đã đặt gần 1 triệu thùng dầu thô/ngày của Brazil cho giao hàng tháng 8 và tháng 9. Điều đó cũng đẩy sản lượng dầu thô của Brazil gia tăng và gây áp lực tới giá dầu.
MXV nhận định, bài toán tăng trưởng tại các nước tiêu thụ dầu hàng đầu trên thế giới như Trung Quốc hay Mỹ vẫn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro gây áp lực tới giá dầu. Điều này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cản trở xu hướng tăng giá của dầu thô. Mức độ sẽ còn phụ thuộc và các dữ liệu kinh tế trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, với tình hình nguồn cung thắt chặt và khả năng thị trường dầu thô rơi vào trạng thái thâm hụt trong quý III từ 0,5 đến 1 triệu thùng dầu/ngày như dự báo từ các tổ chức năng lượng lớn, dầu thô vẫn sẽ duy trì trên vùng giá 70 USD/thùng đối với dầu WTI và 75 USD/thùng đối với dầu Brent, ít nhất là cho tới đầu tháng sau.