Giá hàng hóa nguyên liệu diễn biến phân hóa

Admin
(Chinhphu.vn) - Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới ngày 20/12 diễn biến tương đối trái chiều. Sắc đỏ phủ kín bảng giá nông sản. Trong khi giá nhiều mặt hàng nhóm năng lượng và kim loại lại đi lên.

Chỉ số MXV-Index rơi 0,37% xuống 2.150 điểm, chấm dứt chuỗi tăng 4 ngày liên tục. Giá trị giao dịch đạt trên 4.200 tỷ đồng.

Đáng chú ý, giá mặt hàng cà phê và đường đồng loại giảm mạnh. Trong khi đó, giá dầu ghi nhận ngày giao dịch thứ ba tăng liên tiếp. Lo ngại gián đoạn thương mại toàn cầu đã thúc đẩy lực mua mặt hàng này.

Đà tăng giá dầu chậm lại sau báo cáo của EIA

Kết thúc ngày giao dịch 20/12, giá dầu diễn biến giằng co và chốt phiên tăng nhẹ. Lo ngại gián đoạn thương mại toàn cầu tại biển Đỏ vẫn đang là chất xúc tác chính thúc đẩy lực mua. Ngoài ra, áp lực lạm phát tại các nền kinh tế lớn hạ nhiệt củng cố kịch bản lãi suất đã đạt đỉnh, cũng góp phần hỗ trợ giá.

Chốt phiên, giá dầu WTI ghi nhận ngày giao dịch tăng thứ ba liên tiếp với mức tăng 0,4% lên 74,22 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,6% lên 79,70 USD/thùng.

Về yếu tố vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh trong tháng 11 tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 11 của Đức giảm mạnh 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, so với dự báo giảm 7,5%. Lạm phát hạ nhiệt mạnh mẽ tại Anh và Đức củng cố kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sớm kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Áp lực lãi suất giảm bớt làm gia tăng triển vọng lạc quan về nhu cầu, thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu thô.

Hơn nữa, dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ củng cố kịch bản “hạ cánh mềm” của nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng góp phần hỗ trợ giá dầu. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 12 của Mỹ do Conference Board khảo sát bất ngờ tăng mạnh lên mức 110,7 điểm, từ mức bị điều chỉnh giảm xuống 101 điểm trong tháng 11.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế ngay sau báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Báo cáo cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng mạnh 2,9 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 15/12, cao hơn nhiều so với mức 939.000 thùng theo số liệu của API và trái ngược với ước tính giảm 2,3 triệu thùng của thị trường.

Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng ghi nhận mức tăng mạnh lần lượt 2,71 triệu thùng và 1,48 triệu thùng. Đáng chú ý, sản lượng dầu của Mỹ đã thiết lập mức đỉnh mới với 13,3 triệu thùng/ngày trong tuần trước, góp phần xoa dịu áp lực thâm hụt trong bối cảnh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cắt giảm sản lượng, gây áp lực cho giá dầu về cuối phiên.

Giá phê lao dốc sau khi lên cao kỷ lục 28 năm

Khép lại phiên giao dịch 20/12, giá cà phê giảm mạnh lần lượt 5,83% với Arabica và 2,11% với Robusta. Áp lực kỹ thuật cùng những tín hiệu cải thiện về thời tiết đã khiến giá không thể duy trì được mức đỉnh.

Ở một diễn biến khác trên bảng giá nguyên liệu công nghiệp, giá đường 11 giảm 2,38%, về mức thấp nhất trong 8 tháng. Triển vọng nguồn cung tích cực tại Brazil và việc ưu tiên mía cho sản xuất đường niên vụ 2023/24 tại Ấn Độ đã phần nào hạ nhiệt lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu.