Kết quả phiếu bầu tương đồng với dự luật đã thông qua tại chính Hạ viện vào tháng 3 vừa qua, với số phiếu là 352-65. Dự luật có thể cấm TikTok (sở hữu bởi công ty ByteDance, Trung Quốc) khỏi các gian ứng dụng cho thị trường Mỹ, trừ khi doanh nghiệp Trung Quốc kịp bán nền tảng chia sẻ video này cho chủ mới.
TikTok hiện có khoảng 170 triệu người dùng tại Mỹ, bị cáo buộc hoạt động thu thập dữ liệu người dùng Mỹ và chính quyền lo lắng ByteDance có thể phải nộp các thông tin đó cho Bắc Kinh theo luật ở quê nhà.
Hạ viện có thể gây áp lực lên Thượng viện để tiếp tục thông qua dự luật. Các nhà phân tích dự đoán Thượng viện Mỹ có thể xem xét dự luật trong vòng 2 tuần tới, một dấu hiệu cho thấy khả năng cao họ sẽ đồng tình. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden từng tuyên bố nếu dự luật được đặt lên bàn của ông, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ ký.
Nếu được Tổng thống Mỹ thông qua, luật mới sẽ cho ByteDance 270 ngày (9 tháng) để tìm đối tác mua lại TikTok, nhiều hơn đáng kể so với thời hạn 6 tháng đề ra trong dự luật được thông qua hồi tháng 3. Luật cũng cho phép Tổng thống quyền gia hạn thêm 90 ngày nếu ông nhận thấy thương vụ đang được tiến hành và cần thêm thời gian.
Mỹ coi TikTok (dưới sự quản lý của ByteDance) là mối đe dọa tới an ninh quốc gia, tuy nhiên nhiều người trẻ tại quốc gia này lại ưa thích nền tảng mạng xã hội video ngắn. Để có thể tiếp tục sử dụng chương trình từ những kho phần mềm chính thống, họ sẽ phải trông đợi khả năng ByteDance bán ứng dụng lại cho một công ty Mỹ.
Năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump từng cố gắng ép ByteDance bán phần TikTok tại Mỹ cho một doanh nghiệp trong nước. Tháng 9 cùng năm, ông tiết lộ với báo giới rằng đã thông qua "về mặt hình thức" thương vụ giúp hãng công nghệ Oracle (Mỹ) có thể thâu tóm TikTok. Nhưng vụ việc chưa bao giờ đi được tới bàn đàm phán. Microsoft và Walmart cũng được đồn rằng hứng thú với vụ mua lại.